Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Làng nghề Thêu tranh Quất Động

Có những tác phẩm không được vẽ lên từ sơn dầu, bột màu, không được khắc hoạ qua chổi lông, bút vẽ mà được hình thành từ cây kim sợi chỉ. Đó là những bức tranh thêu tay Việt Nam, những tác phẩm đặc sắc của người phụ nữ Việt Nam được sáng tạo bằng đôi bàn tay khéo léo 
Không biết nghề thêu có từ bao giờ, chỉ biết rằng năm 40 sau Công nguyên trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lá cờ thêu 6 chữ vàng “ trả thù nhà, đền nợ nước” tung bay đã làm quân thù hồn xiêu phách lạc. Nghề thêu cho đến nay vẫn chỉ được coi là một nghề phụ, một công việc nội trợ của người phụ nữ Việt Nam. Về bản chất nghệ thuật thêu tay là vô cùng tinh tế.
  Ông tổ của nghề là Lê Công Hành (1606-1661). Ông có tên là thật là Trần Quốc Khái, vốn dòng họ Mạc, đỗ tiến sĩ vào đời Lê Chân Tông, là viên quan thượng thư triều Lê, cũng là người trong làng. Sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, ông được vua Lê Thái Tổ cử làm người dẫn đầu sứ đoàn sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống rất đặc sắc của Trung Hoa. Sau khi về nước, ông đã đem những kiến thức mình học được dạy cho dân làng Quất Động về cách làm lọng, thêu thùa, pha từng đường kim mũi chỉ theo cách của người Bắc Kinh.Hằng năm, ngày 12 tháng 6 âm lịch, dân làng 5 xã lại tổ chức lễ tế tổ trưởng để tưởng nhớ công đức của ông.
  Hơn 300 năm qua, nghề thêu đã phát triển rộng khắp với sức sống mãnh liệt, người làm nghề đã kéo nhau lập thành những phố nghề. Giờ đây đến Quất Động - quê hương của nghề thêu truyền thống với hàng trăm cơ sở tư nhân, quy mô từ vài chục đến hàng trăm cây kim. Người thợ thêu Quất Động không chỉ là những người thợ cần cù, tỉ mỉ mà họ còn là những người nghệ sỹ thực sự. Ngoài nghề thêu tay, làng Quất Động và những làng lân cận vẫn còn giữ cả nghề thêu ren.
  Ban đầu, làng thêu chủ yếu phục vụ cung đình và các nhà quyền quý, đền chùa và phường tuồng. Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, dùng năm màu chỉ: vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ, đơn giản, chủ yếu là câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu càng tinh tế, khéo léo hơn với thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa như thêu long phụng, uyên ương hồ điệp... đã được đông đảo các tầng lớp quí tộc vua quan ưa chuộng. Không những thế, chúng còn theo chân các lái buôn sang biên giới các nước láng giềng như Lào, Thái Lan… như một sứ giả của văn hóa Việt Nam tại đất bạn.
  Người thợ thêu Quất Động không chỉ là những người thợ cần cù, tỉ mỉ mà họ còn là những người nghệ sỹ thực sự. Công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản. Các thợ thêu chỉ sử dụng một số thứ vật liệu ở mức tối thiểu:
  - Kim thêu
  - Khung thêu các cỡ, kiểu tròn và kiểu chữ nhật
  - Kéo, thước, bút lông, phấn mỡ
  - Chỉ thêu các màu
  - Vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa...)
  Các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, tàn lọng, cờ, biển, trướng, các loại trang phục sân khấu cổ truyền, các đồ gia dụng như chăn, ga, gối, nệm, khăn trải bàn, khăn ăn… đến các sản phẩm cao cấp như áo thêu, tranh thêu… những sản phẩm của Quất Động đều chứa chan tinh túy đất Việt, tạo nên vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế mà hiện đại thu hút rất nhiều khách hàng gần xa. Với đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của người thợ thêu, người Quất Động đã làm ra nhiều sản phẩm, từ các mẫu truyền thống đến các mẫu hiện đại. Hàng thêu Quất Động đã từng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, hiện nay vẫn chiếm được cảm tình và tín nhiệm của khách hàng trong và ngoài nước. Chỉ bằng những đường chỉ thêu mà họ đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại
Lúc đầu, kĩ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc cũng chỉ mới có năm màu vàng, đỏ, xanh, tím, lục. Sau này, hàng thêu có thêm nhiều nguyên liệu mới như vải sa tanh, lụa; chỉ thêu cũng có nhiều màu và kĩ thuật thêu cũng tinh tế, khéo léo hơn.
Người thợ thêu vùng Quất Động giống như những hoạ sĩ dân gian khéo tay, tinh mắt. Bằng cây kim và những sợi chỉ màu, họ đã tạo nên những bức tranh tinh xảo hoà hợp màu sắc trên nền lụa. Từ những đường phấn vẽ phác mờ trên nền lụa, người thợ thêu Quất Động khéo léo đi từng đường kim mũi chỉ tạo dần nên hình ảnh cỏ cây, hoa lá, chim muông, mây nước mềm mại, tươi tắn như bức tranh sống động nhiều màu sắc. Đặc biệt, để bức tranh thêu có màu sắc đẹp, người thợ thêu thợ đòi hỏi phải nắm vững kĩ thuật phối màu dựa trên việc chọn lựa màu chỉ thêu cho phù hợp.
Tranh thêu tay nghệ thuật truyền thống vùng Quất Động ngày nay có nhiều chủ đề khác nhau như: tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh chân dung... Đặc biệt, những bức tranh thêu phong cảnh của Quất Động thường mang đậm phong cách nghệ thuật Á Đông. Đó là những motip nghệ thuật mang tính khuôn mẫu, nặng tính triết lí. Chẳng hạn như bức "tùng hạc" thể hiện tinh thần thanh tao cứng cáp của người quân tử theo quan niệm của Nho giáo. Bức "uyên ương trong đầm sen" với màu sắc tinh tế phản ánh sự nồng ấm của hạnh phúc. Bức "công trúc" lại khai thác hình tượng chim công sắc màu rực rỡ, múa bên khóm trúc vàng óng thật đẹp mắt. Nói chung, tranh Quất Động khai thác khá mạnh mảng đề tài mang tính cổ điển và ước lệ này, ví dụ như tranh về chim công, hoa phù dung, trúc - hạc, sen - vịt, tùng - hạc, chim trĩ - hoa phù dung... Bên cạnh đó, tranh thêu Quất Động cũng có nhiều đề tài khác như tranh gà, tranh hổ, tranh vinh quy bái tổ, tranh tam đa (Phúc - Lộc - Thọ)...
Làng nghề thêu Quất Động đã có bốn nghệ nhân thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cấp quốc gia. Một số mẫu tranh thêu cổ vùng Quất Động hiện đang được lưu trữ và trưng bày tại Bảng tàng Lịch sử Việt Nam.
Ngày nay, nghề làm tranh thêu tay ở Quất Động phát triển khá mạnh. Đi đến đâu trong làng cũng thấy có người làm tranh thêu, không chỉ có cụ già, thiếu nữ, mà nhiều nơi nam thanh niên cũng theo đuổi nghề này. Nhờ đó mà tranh thêu tay không chỉ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp nghề truyền thống của đất nước, con người Việt Nam.
Ngày nay, hòa cùng dòng chảy của thời gian, những đường kim, mũi chỉ tinh hoa đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ dân làng Quất Động, để làng nghề của họ đi vào ca dao:   

Hỡi cô mà thắt bao xanh

Có về Quất Động với anh thì về 

Quất Động anh đã có nghề  

Thêu gà thêu vịt, thêu huê trên cành 
Thêu cả tranh sơn thủy hữu tình 
Thêu cả tranh ảnh của mình, của ta"

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Từ xa xưa, người Việt Nam đã biết sử dụng mây, tre làm nhà để ở, làm công cụ lao động, làm những chiếc thuyền nan, thuyền thúng vượt biển, những mảnh bè vượt sông... mây, tre còn được sử dụng để làm các vật dụng trong gia đình, làm đồ lưu niệm, nhạc cụ... và ngày nay còn trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị.
Trên cả nước không ở đâu có nghề mây tre đan phát triển mạnh như Hà Tây ( cũ). Mười tám làng nghề truyền thống mây, tre, giang đan, với nhiều cái tên quen thuộc như Phú Vinh, Trường Yên, Ninh Sở, Bình Phú… góp phần làm rạng danh nghề thủ công truyền thống này của Việt Nam. Ở huyện Chương Mỹ  có làng Phú Vinh nổi tiếng về nghề mây từ lâu đời. Nhân dân ta xưa nay đều coi đất Phú Vinh là "xứ Mây", là quê hương của mây đan với những sản phẩm mỹ nghệ bằng mây đạt tới tỉnh cao nghệ thuật tạo hình dân gian của Việt Nam. Người Phú Vinh cha truyền con nối, đến nay đã sáng tạo được 180 mẫu hàng, xuất khẩu là chủ yếu gồm đủ mọi thứ: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây...
* Đĩa mây: gồm đĩa tròn, đĩa bát giác, đĩa rua miệng, đĩa vuông, đĩa chữ nhật, đĩa bán nguyệt, đĩa vỏ dưa, đĩa hoa muống, đĩa lót tròn...
* Bát mây: có bát răng cưa, bát rua miệng, bát trơn mộc, bát đáy dày...
* Chậu mây: có chậu đứng cong, chậu thắt suốt, chậu thau...
* Lẵng mây: lẵng xách tay, lẵng bán nguyệt, lẵng quai chai...
* Làn mây: làn viên trụ, làn chữ nhật, làn kép, làn đơn...
 Để hiểu rõ những kỳ công của quá trình làm ra sản phẩm mây đan, chúng ta hãy tìm hiểu về cây mây, kỹ thuật chế biến mây và bàn tay tài khéo của người thợ thủ công mà tiêu biểu là người thợ mây Phú Vinh. Cây mây lớn rất chậm, mỗi năm nó chỉ dài thêm ra được 1 mét, khi dài tới 5 mét thì phải thu hoạch. Cây mây non hoặc già quá chất lượng đều kém. Muốn cây mây thẳng, khi trồng phải đặt rễ mây cho thẳng. Rễ dài đến đâu cũng phải đào hố trồng sâu đến đấy để đặt rễ cho thẳng.Kinh nghiệm cho thấy, khi đặt rễ thẳng như thế, dù cây mây có leo, có cuốn xoắn vào cây khác thì khi chẻ sợi mây cũng cứ thẳng, không bị vặn.sự cẩn thận, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu. Đối với mặt hàng này nguyên liệu chính là cây song, cây mây. Cây mây phải chọn cây có gióng đều, thông thường phải đạt độ dài năm mét, khi chẻ và đan mới dễ dàng. Tuy nhiên, cây mây lớn rất chậm, mỗi năm chỉ dài được một mét. Như vậy, mỗi cây mây từ ngày trồng đến ngày thu hoạch phải mất tới năm năm. Cây mây non hay già thì chất lượng đều kém. Cây non quá, sản phẩm dễ bị mốc, khi chẻ mây dễ bị ọp còn cây già quá khi chẻ dễ bị xơ, đan sẽ không đẹp.
Mây và tre đều là loại cây có chất đường nên dễ bị mọt ăn, chính vì vậy khâu xử lý nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Mây tre mua về sau khi lựa chọn được đem đi sấy. Ở làng nghề, dân làng sử dụng phương pháp thủ công sấy mây tre trong lò kín, phương pháp này giúp loại bỏ lượng đường trong nguyên liệu, sản phẩm không bị mối mọt mà lại có độ bền chắc. Khi sấy, khói nhiều quá hay ít quá mây cũng bị đỏ, nếu làm đúng kỹ thuật mây tre được sấy sẽ có độ trắng sáng đẹp mắt.
Sau đó, mây sẽ được đem ra chẻ thành các nan mỏng. Chẻ nan mây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành bẩy hoặc chín nan mỏng.
Đối với kỹ thuật chẻ nhiều nan mỏng đều tay thì phải người thợ có kinh nghiệm mới làm được. Thân cây mây là thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên chẻ không khéo sẽ bị lạng chỗ dầy, chỗ mỏng. Với cách chẻ lột, người thợ sẽ có cách lấy được cả phần cật và lõi của cây mây.
Người thợ khi làm phải bảo vệ ngón tay cái và ngón trỏ bằng vải bọc vì sợi mây tuy mềm mại nhưng sau khi chẻ nhỏ lại có cạnh rất sắc.

Sau công đoạn chẻ, các nan được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng. Bàn chuốt được người làng nghề tự tạo nên hết sức đơn giản, chỉ bao gồm một tấm sắt tây, đục nhiều lỗ kích thước khác nhau được kẹp bằng bốn đoạn tre.  


Mây sau khi chuốt được phơi ngoài nắng cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. Nan mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không thể sao nhãng và phải liên tục săn sóc.
Mây phơi khô lại tiếp tục được nhúng vào nước rồi đem đi sấy thêm một lần nữa. Mục đích của việc nhúng nước này là làm cho sợi mây có độ dẻo, tiếp tục cho vào sấy sẽ khiến sợi mây dẻo và mềm hơn. Để cho sản phẩm có độ đa dạng về mầu sắc, người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo mầu riêng. Các nan mây sau khi chẻ, phơi khô, sấy sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Sợi nan được nhúng vào nước khoảng 15-20 lần sau đó phơi trong nắng cho khô. Các nan nhúng nước sồi sẽ có mầu vàng đều. Muốn mầu đen óng ả, các nan mây được đem ngâm bùn ao từ ba đến năm ngày.
Đây là cách tạo mầu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền mầu cao tới 30-40 năm.
Nói tóm lại mỗi nghề lại có một kĩ thuật làm riêng mà không nghề nào giống nghề nào. Cũng như vậy nghề đan cũng có khuôn mực của nó. Ấy là phương pháp và nguyên tắc kỹ thuật đan, cài. Dù là thợ hay nghệ nhân, không ai có thể vượt ra ngoài khuôn mực ấy. Chẳng hạn khi đan cái dần, cái sàng, cái thúng, cái nia bằng tre, đã đan long mốt thì chỉ được bắt nan long mốt, đan long đôi chỉ được bắt đều long đôi. Nếu bắt sang long ba, long tư là lỗi ngay. Trong nghề đan mây cũng thế, khi đan chân dung, đã bắt 5 thì phải đè 5 - bắt 6 hoặc 4 đều lỗi... chính từ bí mật của kỹ thuật này sau những suy nghĩ tìm tòi và thử nghiệm công phu trong lĩnh vực tạo kiểu dáng mà hàng loạt mẫu hàng mới khác chưa phải đã là những sáng tạo cuối cùng của nghề mây tre đan Phú Nghĩa.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Hà Đông

Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng 
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”
(Thơ Tố Hữu) 

“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng 
Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”
(ca dao)
Tỉnh Hà Tây từ xa xưa vẫn có câu “Bảy làng La, ba làng Mỗ”, đều làm nghề dệt lụa. Cho nên, có người gọi đây là quê lụa. Có người quá yêu mến, gọi đây là “xứ lụa”. Tuy vậy, lụa Hà Đông nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vạn Phúc. Người ta gọi là lụa Hà Đông, chính là lụa Vạn Phúc.
Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh chiếc giếng làng với những bông hoa sen, cạnh cây đa cổ thụ, buổi chiều vẫn họp chợ trước đình. Làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. “Lụa Hà Đông” cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa.
Ăn, ở, mặc…là những nhu cầu vật chất cơ bản của xã hội loài người nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam có nhiều vị tổ nghề thủ công truyền thống, nhưng không ai không biết đến công chúa Thiều Hoa, người được tôn vinh là Bà tổ nghề dệt lụa - một nghề truyền thống có lịch sử lâu đời gắn bó mật thiết với người phụ nữ Việt Nam. Người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay có câu “Người đẹp vì lụa…”, vải lụa là một sản phẩm văn hóa bản địa của Việt Nam có giá trị từ trong lịch sử đến ngày nay. Vải lụa đã đi vào ca dao Việt Nam:
“Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng”
 Truyện kể rằng công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang trại khác. Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa. Chính cái tên Thiều Hoa gọi bướm là ngài và giống sâu cho sợi ấy là tằm còn gọi đến ngày nay. Nghề dệt lụa cũng có từ buổi ấy và gắn với truyền thuyết về một nàng công chúa xinh đẹp, một trong những vị tổ nghề quan trọng đặt nền tảng cho một giá trị văn hoá vật chất có sức sống lâu bền đến nay và là niềm tự hào của người Việt. Cùng với sự ra đời của nhiều giá trị văn hoá khác trong lịch sử dân tộc, lụa Cổ Đô gắn với bà tổ nghề là Công chúa con Vua Hùng Vương thứ 6 - Công chúa Thiều Hoa. Các triều đại Vua Hùng gắn với buổi bình minh lập nước của lịch sử Việt Nam

Sau kỳ tích ấy Thiều Hoa đem truyền dạy cho mọi người trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng Vua cha. Hùng Vương khen ngợi con gái yêu và truyền cho dân chúng theo đó mà dệt lụa. Dân làng Cổ Đô, Vân Sa…rất nổi tiếng về nghề dệt lụa và nhiều làng tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, làm thành hoàng làng của mình.
Từ bao đời nay, nghề dệt lụa đã trở thành nghề truyền thống của làng Vạn Phúc. Lụa Vạn phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở những nơi khác bởi chất liệu mượt mà, mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng hoạ tiết trang trí. Chính vì thế lụa Vạn Phúc không chỉ là đặc sản của làng mà còn là một thứ quà quý, một thứ đặc sản truyền thống của người Việt Nam.
Theo truyền thuyết và người dân làng Vạn phúc kể lại thì Tổ nghề  nghề dệt lụa Vạn Phúc là bà Lã Thị Nga. Bà sống vào thế kỷ thứ 7, thứ 8 khi nước nhà bị đô hộ. Bà Lã Thị Nga, con một gia đình hào phú ở Cao Bằng, một lần theo chồng là Cao Biền đi kinh lý tới Ấp Vạn Bảo, thấy đất đai thơ mộng, bà xin ở lại ấp dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt cửi, mang lại nghề dệt lụa cho dân Vạn Phúc. Trong hậu cung của đình làng nơi thờ bà họ Lã hiện nay vẫn bày các thúng sơn, thước sơn, kéo bằng sắt, vạch bằng ngà là những đồ dùng của thợ may. Bà là thành hoàng làng Vạn Phúc. Dân làng vẫn lấy ngày sinh của bà là 10 tháng 8 âm và ngày mất là 25 tháng chạp để tế lễ và giỗ tổ.
Từ lâu, âm thanh từ những khung cửi, từ tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra sản phẩm nổi tiếng: lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc…Thoạt đầu là những khung dệt thô sơ, giản đơn ban đầu như khung “con cò”, rồi  khung “chân dậm tay thoi”, khung “tay giật, thoi lao”, đến nay đã có nhiều khung dệt khác nhau, mỗi khung cho một sản phẩm mặt hàng lụa khác nhau: hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất, hàng Vân… để cho ra các sản phẩm với nhiều chất liệu khác nhau như lụa thường, ngang xe, hay dọc tơ chập, ngang tơ chập, dọc tơ xe…
Người dệt dùng những ngón tay thanh mảnh lao chiếc thoi qua khung dệt. Rồi đến chiếc khung dùng sợi dây để giật cho con thoi lao qua; Và đến chiếc khung cài hoa cải tiến, gồm 2 người, người dệt ngồi dưới, và một người nữa ngồi trên nóc khung, dùng tay lồng từng sợi tơ để tết thành hoa. Rồi đến chiếc khung hôm nay, có hàng nghìn que kim tự động, cài đủ các loại hoa theo ý con người.
Lụa Vạn Phúc nổi tiếng, trước hết là lụa Vân. Vân nghĩa là mây. Có mây trên lụa, nhìn lụa như thấy có mây. Đây là một kỹ thuật tinh tế, mà trước kia chỉ làng Vạn Phúc mới dệt được, cả nước ta không đâu dệt nổi. Lụa là thứ mượt mà, mà lại nổi vân là khó lắm

Trong các mặt hàng lụa ở Vạn Phúc, có lẽ lụa sa tanh là mặt hàng sang trọng nhất, cao cấp nhất. Cũng là tơ lụa, nhưng khi đã trở thành lụa sa tanh, bỗng trở nên cao quý đặc biệt. Lụa sa tanh có chất lấp lánh như thuỷ tinh. Hoa hướng dương, hoa triện viền quanh mặt lụa, càng làm cho lụa sa tanh trở thành quý phẩm. Ta có cảm giác rằng, nếu lụa sa tanh được trang trí trong nội thất ở một nhà nào đó, khi có một người khách lạ  đến và được ngồi vào trong ngôi nhà đó, người khách sẽ ngạc nhiên và nghĩ rằng, sao cuộc đời lại có thể đẹp và hạnh phúc đến chừng này. Người làng Vạn Phúc tự hào và nói không ngoa rằng, ai đã mặc áo lụa sa tanh Vạn Phúc thì người già sẽ trẻ lại, người không đẹp cũng đẹp thêm lên.
Không chỉ dừng lại ở những tấm lụa mượt mà, tha thướt hay những tấm áo đơn giản ngày xưa, hôm nay lụa Vạn Phúc đã được người dân sử dụng để may nhiều mặt hàng khác nữa như quần áo, áo bông, chăn, ga, gối, khăn…đến những vật dụng nhỏ nhắn như túi, ví, xắc tay và những thứ khác dùng làm quà lưu niệm. Điều này đã thể hiện trình độ cao của tay nghề làng Vạn Phúc.
Nhờ nghề dệt lụa, đúng là “nhà nhà dựng xây cơ nghiệp” . Cho đến nay, làng Vạn Phúc vẫn nằm bên dòng sông Nhuệ lượn quanh. Nhưng làng quê mà đẹp như thành phố. Bốn mùa rộn rã tiếng thoi vui. Người Vạn phúc từ lâu đã có lệ đẹp: các cụ ở tuổi thượng thọ được làng may áo lụa để tặng mừng thọ. Chợ Hà Đông, chủ yếu là bán lụa Hà Đông. Ngày nay, lụa Hà Đông cũng có nhiều mầu. Một vài gia đình ở Vạn Phúc nhuộm lụa rất giỏi. Nhưng tôi hỏi một người sành nghề lụa, ông đã cho tôi biết, không có màu nào đẹp hơn nguyên chất mầu lụa. Chỉ có mầu lụa là đẹp nhất và không bao giờ phai. Người thợ có thể nhuộm đủ các loại màu nhưng không thể nào nhuộm được mầu giống như mầu lụa. Cho nên  dẫu "mây bay, sóng lượn" dẫu là hoa quế, hoa lan, hoa hồng, hoa huệ như thế nào, vẫn phải giữ được đúng màu lụa. Chỉ có màu lụa mới được khách hàng ưa chuộng nhất, thế giới ưa chuộng nhất
Lụa tơ tằm Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay có tiếng trong nước và quốc tế. Nó không chỉ đưa lại giá trị kinh tế cho quốc gia, nhiều dòng họ, gia đình, nhiều làng mà còn là một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam gắn với một vị tổ nghề là phụ nữ sáng lập không có lợi ích riêng, một phụ nữ “Lá ngọc cành vàng”- Công chúa Thiều Hoa.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Quà tặng và Cách tặng quà

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều phải trải qua việc tặng quà và nhận quà tặng từ người khác.
Một năm 365 ngày, có bao nhiêu là dịp để tặng quà cho nhau, nào dịp sinh nhật, nào dịp lễ tết, nào dịp kỷ niệm hay thậm chí đơn giản tặng quà chỉ để làm vui lòng ai đó. Tặng quà là cách chúng ta thể hiện sự quan tâm đến nhau. Có một điểm chung mà ta dễ dàng nhận thấy được khi tặng quà là, món quà luôn làm cho người nhận cảm thấy vui vẻ.
Khi tặng quà cho một người nào đó, giá trị của món quà không quan trọng bằng việc bạn đã nghĩ đến người đó và muốn làm điều gì cho người đó. Một câu nói mà ta cần nhớ là: "Quà tặng không quan trọng bằng cách tặng". Khi một người nhận được một món quà, người đó cảm thấy vui, xúc động vì món quà đó, thì ngay bản thân người tặng là chúng ta cũng cảm thấy rất vui.
Những món quà đặc biệt là những thứ ta tặng cho gia đình và bạn bè của chúng ta vào các dịp lễ, tết hay các ngày quan trọng như Giáng Sinh, Sinh nhật, Valentine, 8-3, 1-6... Những món quà này nên được lựa chọn với sự thận trọng đặc biệt. Quà tặng không cần phải mắc tiền để chứng tỏ rằng mình đã dành cho họ những tình cảm tốt đẹp nhất. Món quà sẽ trở nên ý nghĩa nếu như món quà đó thích hợp với người nhận, và người nhận sẽ cảm thấy thích thú với món quà ấy. Kiểu như, có một người bạn nói vui rằng: "Giá trị món quà cũng tuỳ theo lúc, tuỳ theo hứng lúc đó. Có khi chỉ đáng giá vài đồng xu lẻ, ví dụ như cái lần Sinh nhật người bạn, chỉ mua cho hắn ấy 2 ổ bánh mì. Tại hắn đói, hắn thiếu ăn, và như thế lại vui."
Khi tặng cho nhau những món quà kỷ niệm, nên lựa chọn những món quà có ý nghĩa bất ngờ, ngộ nghĩnh. Những món quà ấy nên là những thứ… để lâu mà không cũ, không hư hỏng, có thể trưng bày được.
Những cánh thiệp được gửi kèm theo quà, tùy theo người nhận mà ta có thể viết nhiều cách khác nhau. Như cho cha mẹ, thầy cô hay những người lớn hơn thì cần đầu tư cẩn thận chút xíu, để ý những từ ngữ, câu chữ mình viết ra; còn nếu là bạn bè thì… thoải mái, vui vẻ, hài hước. Chính những gì ta ghi trên các tấm thiệp ấy mới làm cho người nhận quà cảm thấy vui vẻ, và ghi nhớ.
Khi có người tặng quà cho mình, ta nên nhận với sự nhiệt tình và thích thú, ngay cả khi những món quà ấy không phải là thứ ta thích. Hãy nghĩ đến tình cảm của người tặng quà mà vui vẻ đón nhận. Dù sao thì, món quà không quan trọng bằng ý nghĩa và tình cảm đằng sau nó.
"Cám ơn bạn!" là câu đầu tiên để nói khi nhận một món quà. Sau đó, nói một điều gì theo lời lẽ riêng của mình để chứng tỏ là bạn đã rất vui khi nhận quà. Bất cứ điều gì chứng tỏ rằng bạn "hài lòng" và cám ơn thì đều đúng, đều nên làm. Không nên nghĩ đây là những câu nói khách sáo, xã giao. Chính những câu nói như vậy lại làm cho người tặng quà cảm thấy cũng… hài lòng.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Nghệ thuật chọn quà Tết cho nhà chồng

Thời buổi bận rộn, đa số các cô đều ra quầy bánh kẹo mua đại chai rượu, hộp mứt sặc sỡ, đôi ba cặp bánh chưng, rồi có khi còn chất thêm một cây giò nữa cho bề thế. Vậy là xong nghĩa vụ, sau đó có thể yên tâm làm những việc khác.

Nào là cây quất cành đào, nào là dọn dẹp nhà cửa mua thực phẩm dự trữ, rồi thì sắm quần áo mới cho cả nhà.... Nhìn chung các cô cũng không để ý xem bố mẹ chồng xử lý món quà Tết của mình ra sao nữa.

Còn bố mẹ chồng thì thế nào nhỉ. Họ vui vẻ tiếp nhận món quà của con dâu nhưng thường kèm theo tiếng chép miệng: "Sao con mua làm gì lãng phí thế, bố mẹ làm sao dùng hết"

Ngày xưa rất có thể đây là những lời lẽ khách sáo khi người ta nhận được quà cáp còn bây giờ thì rất nhiều khả năng đấy là những lời nói thật. Chúng bộc lộ một nỗi sợ thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến ở những thành phố lớn.

Thường thì các cụ đều tuổi cao, không huyết áp thì cũng tiểu đường, nhẹ thì cũng dạ dày dạ mỏng. Nhìn thấy bánh mứt là hãi rồi, nhất là thứ bánh mứt gia công không rõ nguồn gốc. Bánh chưng, giò nạc cũng hãi chả kém. Đổ đi thì tiếc mà có cho thì cũng chẳng ai muốn nhận. Cố ăn cho hết thì không đầy bụng cũng nhức răng.

Vậy là mấy đồ thực phẩm nội kia bắt đầu bị một số chị em coi thường. Có cô con dâu chỉ mua một chai rượu tây đắt tiền gửi về quê cho các cụ. Nhìn nhãn mác là biết các cụ có đẳng cấp rồi, đánh bật mấy túi quà lòe xòe của mấy cô con dâu còn lại.

Thế nhưng năm sau, sáu năm sau dọn tủ bố mẹ chồng cô mới vỡ lẽ những chai rượu xịn kia vẫn nằm nguyên trong tủ, thậm chí có chai vỏ đã hơi mốc.

Hỏi ra mới biết hai cụ thấy đắt quá nên tiếc rẻ không dám mở. Hỏi: "Sao bố mẹ không làm quà biếu ai đó chứ để thế này phí hoài quá" thì các cụ bảo: "Bố mẹ già rồi có quan hệ gì to tát đâu mà phải biếu xén". "Thế để hôm nào con bán đi cho các cụ tiêu". "Ấy chết, ai lại đi bán quà mừng của các con bao giờ".

Thế là từ đó trở đi, cô không bao giờ biếu rượu đắt nữa. Cô chỉ mua hộp bánh nhỏ đặt lên bàn thờ, còn lại nhắm xem có loại thực phẩm gì tươi ngon mua cho ông bà dùng dần: vài cân cam canh, chai nước mắm Phan Thiết, bánh nhạt dành cho người ăn kiêng...

Cũng chỉ chừng ấy tiền thôi nhưng rõ ràng là rất thiết thực, các cụ có thể dùng cho tới tận ra giêng, đã thế chồng cô thỉnh thoảng được bà gật gù khen: "Con vợ mày sành, mua cái gì cũng ngon, đúng là con gái thành phố có khác".

Không ít nàng dâu bận rộn bây giờ quyết định quà Tết cho cha mẹ chồng bằng một cái... phong bì. Quả là rất tiện, ông bà muốn mua cái gì cũng được, không thích mua sắm gì thì cất đi. Thế nhưng có cô đưa phong bì hôm trước thì sáng hôm sau bà lại lò dò mang lên trả. Hoàn toàn không phải bà mẹ chồng ghét bỏ gì con đâu, chẳng qua là thấy ngại. Bà nghĩ thầm "hay là nó trả công mình trông con cho nó", với lại ông bà cũng chưa đến mức thiếu thốn, nhận tiền của con thấy không thoải mái, ngoài ra cảm thấy vị thế của mình bị thay đổi.

Thế đấy, quà Tết cho bố mẹ chồng chẳng đơn giản tẹo nào. Có cô con dâu phải mất tới năm sáu năm mới hiểu sở thích thực sự của cha mẹ chồng. Hồi đầu thì cũng rượu bánh như mọi người, về sau cô phát hiện cha chồng rất thích bày biện ngày Tết. Có cái gì đèm đẹp là bầy lên nóc tủ ly. Thế là cô bỏ thêm 10.000 đồng thuê đóng túi quà vào chiếc giỏ thắt nơ xinh xắn. Từ năm đó trở đi, gói quà Tết của cô năm nào cũng được bày vào vị trí trịnh trọng nhất.

Đấy, chỉ có một mẹo đơn giản thế mà phải mất mấy năm trời mới nghĩ ra. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, các cô con dâu cứ phải thăm dò cho kỹ lưỡng khi mua quà Tết cho nhà chồng. Mà nhiều khi không nhất thiết cứ phải chi thật nhiều tiền mới được lòng các cụ.

Có một cô phóng viên trẻ đã dành cho nhà chồng một món quà thực sự bất ngờ. Trước Tết cô viết một bài báo với tiêu đề Về quê chồng ăn tết hồi năm ngoái. Tất nhiên toàn là những kỷ niệm đẹp đẽ không thể phai nhòa, tên của cha mẹ chồng cũng như rất nhiều bà con, cô dì, chú bác đều có trong bài viết. Vậy là gói quà Tết của cô năm nay có thêm tờ báo. Có thể khẳng định là hai ông bà cứ sướng lâng lâng đến tận Tết sang năm. Cô phóng viên trẻ kia coi như đã làm một cú ghi bàn ngoạn mục, mà có phải lao tâm khổ tứ gì đâu. Chỉ là ghi lại kỷ niệm của một chuyến đi mà thôi.

Cũng có người cho rằng muôn đời nay quà Tết thường là rượu mứt bánh kẹo rồi, thay đổi chẳng dễ. Đương nhiên là cũng có rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn vui vẻ khi các con chúc Tết rượu mứt, thậm chí bất cứ cái gì các con cho họ đều quý hóa.

Có điều chúng ta nên mua những đồ này tại những cơ sở sản xuất có uy tín lâu năm, chớ ham màu mè hình thức mà vớ phải hàng kém chất lượng. Vì sức khỏe và niềm vui của người cao tuổi, chúng ta nên động não tí chút trước khi mua quà Tết cho các cụ.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Chọn quà biếu sếp ngày Tết

Bạn đang băn khoăn về việc có nên chuẩn bị quà biếu sếp trước khi Tết đến tuy giờ đây nó gần như đã trở thành câu chuyện chung của mọi công sở?

Sau đây là những điều nên và không nên khi biếu quà cho sếp mà bạn cần lưu ý nhằm tránh được những phiền phức không đáng xảy ra.

Làm phận sự của bạn

Việc chọn quà tặng sếp cũng cần có sự đầu tư thời gian như khi bạn cố gắng hoàn thành một dự án hay nhiệm vụ của công ty. Vì vẫy hãy tìm hiểu kĩ về “lịch sử” chuyện quà cáp trong công ty chẳng hạn như:

- Các nhân viên ở đây có bao giờ tặng quà sếp vào dịp Tết không?

- Nếu có thì những loại quà như thế nào thường được mọi người lựa chọn.

- Đã có đồng nghiệp nào của bạn nhận được kết quả hay thái độ từ sếp theo cách không mong đợi chưa? Nếu có thì tại sao?

Đừng khiến sếp thấy thiếu thoải mái khi nhận quà
Giờ thì bạn đã biết được truyền thống tặng quà của công ty, tiếp đến hãy nghĩ về việc tại sao bạn muốn tặng quà cho sếp.

Nếu câu trả lời là bởi vì bạn muốn chạy chọt lợi ích gì từ nó thì sếp cũng có thể nhận thấy được điều đấy. Còn nếu không phải vậy thì bạn cần thật cẩn thận khi chọn quà. Những món quà quá đắt giá cũng dễ khiến sếp hiểu nhầm mục đích tặng của bạn và điều này dễ gây tâm lý không thoải mái cho sếp khi nhận nó.

Hãy chân thành
Truyền thống tặng quà sếp bắt nguồn từ ý muốn thể hiện sự trân trọng hay cảm kích công lao của cấp trên hay chỉ đơn giản là để thay cho một lời cảm ơn chân thành vì một lần được sếp giúp đỡ, chỉ bảo trong công việc. Quà tặng sẽ mất đi giá trị khi nó biến thành một gánh nặng hay một nghĩa vụ cho người tặng nó.

Nên cẩn thận với một số loại quà tặng
Trừ khi bạn muốn kiếm lợi từ việc tặng quà, còn nếu không, một thứ đồ quá xa xỉ hoặc quá riêng tư sẽ là món quà tồi nhất mà bạn có thể chọn biếu sếp.

Có một vài thứ mà bạn không bao giờ nên chọn mua tặng sếp. Điển hình nhất là nước hoa và quần áo. Thậm chí cả hoa đôi khi cũng có thể bị xem là món quà quá riêng tư và dễ gây bàn tán trong công ty.

Xem xét các phương án tặng quà

Trong số các phương án, thường thì tặng quà tập thể được xem là cách tốt nhất. Bằng cách này, sẽ không ai phải sợ bị coi là đánh lẻ mà lại giúp thắt chặt thêm tình cảm giữa những đồng nghiệp với nhau trong công ty và với cả sếp.

Hay là bạn có thể cân nhắc một số món đồ không đắt như đồ ăn chẳng hạn. Có thể là một hộp mứt do bạn tự làm, một loại rượu đã được tìm hiểu kĩ về chất lượng và hương vị trước khi mua, hay có thể là một hộp bánh.

Không phải có qua có lại

Bình thường trong đời sống hàng ngày, nếu có ai đó tặng bạn một món quà thì bạn nên có chút gì đó gọi là để cảm tạ họ. Tuy nhiên lý thuyết này lại không phải lúc nào cũng được áp dụng ở công sở.

Trong công việc không nhất thiết phải có sự có qua có lại. Không phải rằng sếp “ban phát” cho bạn một lợi lộc nào đó mà bạn phải “đền đáp” lại bằng một món quà vật chất. Không! Tất cả những gì bạn phải làm khi nhận được một đặc ân đặc lợi gì là thể hiện lòng biết ơn chân thành, còn quà tặng chỉ đóng vai trò như một vỏ bọc mà thôi.

Tháng Tư - Mùa hoa Huệ Tây.

Loài hoa chỉ nở vào tháng duy nhất trong 1 năm - tháng tư, một màu trắng tinh khôi với mùi hương thơm dịu nhẹ làm rung động biết bao trái tim !

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa Lyly và Giắc yêu nhau nồng thắm. Khi chàng ra trận, chàng đã lấy trái tim nồng ấm từ lồng ngực trao cho người yêu và dặn: “Hãy giữ lấy nó, ta đi đánh trận không cần trái tim đâu”. Nhưng sau 10 năm dài đằng đẵng, Giắc đã quen sống không có trái tim để mình Lyly đợi chờ. Giắc trở nên vô ơn và bội bạc, hắn nói mình đã chết và sai đàn em chỉ cho Lyly nấm mộ giả của hắn. Dọc đường, bọn tay chân bàn nhau bí mật giữ chiếc hộp bạc quý giá lại nhưng chúng vẫn tìm một nấm mồ và chỉ cho Lily. Lily tin đó là nơi Giắc yên nghỉ. Không còn trái tim để trao lại cho người yêu, cũng không nỡ bỏ đi khi người yêu nằm đó thiếu trái tim nên Lily quyết định lấy trái tim của chính mình vùi xuống nấm mồ.
Từ nơi ấy, một cây huệ Tây đã mọc lên. Hoa của nó trắng muốt- một màu trắng tinh khiết và toả sáng. Huơng hoa thơm ngát, lan xa. Người ta gọi nó là hoa Lily, hay đơn giản hơn là hoa Ly- loài hoa tượng trưng cho tình yêu, lòng chung thuỷ và sự bao dung, cao thượng.





Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

10 quà tặng nên tránh

Khi tặng quà, bạn phải chú ý đến sở thích của người nhận quà. Món quà tặng có thể giá trị vật chất không lớn, nhưng phải gây được ấn tượng bởi sự độc đáo. Bạn không nên tặng những thứ quà mà người khác có quá nhiều, hoặc người ta không sử dụng được. Dưới đây là danh sách 10 món quà tặng mà chúng tôi khuyên bạn nên tránh tặng đối với từng đối tượng, hoàn cảnh khác nhau.

1. Trừ khi đang có kế hoạch cầu hôn, còn lại nên tránh tặng đồ trang sức, đặc biệt là nhẫn, vì điều đó hàm ý như sự ràng buộc. Điều này có thể làm người yêu bạn sợ.

2. Trong khi một chiếc nhẫn có thể được xem như quá nhiệt tình thì những món quà như dụng cụ làm bếp, thiếp chúc mừng có thể được hiểu như sự giả dối, hời hợt.

3. Tránh tặng quần áo lót cho người yêu trong những ngày nghỉ đầu tiên bên nhau. Nó có thể được xem như một thông điệp xấu tới người được tặng.

4. Tránh tặng những món quà theo sở thích cá nhân của mình, ví dụ như tặng vé xem một sự kiện thể thao khi bạn biết rằng người bạn yêu không phải là một fan hâm mộ của lĩnh vực này.

5. Những món quà có liên quan đến công việc. Tại sao lại mang công việc vào trong kì nghỉ. Đây là thời gian để nghỉ ngơi.

6. Cũng không nên tặng quần áo vì có thể làm người ấy khó chịu, đặc biệt khi bạn không chắc chắn về cỡ quần áo và sở thích của đối phương.

7. Tặng những con vật nuôi nhỏ như thỏ, rùa, chó, mèo là một ý tưởng tồi trừ khi bạn hiểu thật rõ người yêu của mình. Những con vật nuôi có thể là một mối hiểm hoạ cho kì nghỉ đầu tiên bên nhau.

8. Nên tránh tặng người mình yêu một món quà người khác đã tặng cho. Nếu bạn không muốn người yêu của bạn ra đi thì bạn đừng bao giờ làm điều này.

9. Tặng quà mà không có hộp, giấy gói hoặc hoa tươi là một điều nên tránh. Vì điều đó có thể làm cho người được nhận nghĩ rằng bạn không quan tâm và đầu tư công sức cho món quà này.

10. Tránh tặng những món quà có thể khiến người được nhận nghĩ là họ trông chưa hấp dẫn và cần phải thay đổi như quần áo tập thể dục, dụng cụ tập thể hình.