“Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”
(Thơ Tố Hữu)
“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”
(ca dao)
Tỉnh Hà Tây từ xa xưa vẫn có câu “Bảy làng La, ba làng Mỗ”, đều làm nghề dệt lụa. Cho nên, có người gọi đây là quê lụa. Có người quá yêu mến, gọi đây là “xứ lụa”. Tuy vậy, lụa Hà Đông nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vạn Phúc. Người ta gọi là lụa Hà Đông, chính là lụa Vạn Phúc.
Nằm
bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ
kính quê ngày xưa như hình ảnh chiếc giếng làng với những bông hoa sen,
cạnh cây đa cổ thụ, buổi chiều vẫn họp chợ trước đình. Làng lụa Vạn Phúc
từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. “Lụa Hà Đông” cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa.
Ăn,
ở, mặc…là những nhu cầu vật chất cơ bản của xã hội loài người nói chung
và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam có nhiều vị tổ nghề thủ công truyền
thống, nhưng không ai không biết đến công chúa Thiều Hoa, người được tôn
vinh là Bà tổ nghề dệt lụa - một nghề truyền thống có lịch sử lâu đời
gắn bó mật thiết với người phụ nữ Việt Nam. Người Việt Nam từ ngàn xưa
đến nay có câu “Người đẹp vì lụa…”,
vải lụa là một sản phẩm văn hóa bản địa của Việt Nam có giá trị từ
trong lịch sử đến ngày nay. Vải lụa đã đi vào ca dao Việt Nam:
“Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng”
Truyện
kể rằng công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy
chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang
trại khác. Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng
chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá
dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa
ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin
bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách
đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những
tấm sợi ấy là lụa. Chính cái tên Thiều Hoa gọi bướm là ngài và giống
sâu cho sợi ấy là tằm còn gọi đến ngày nay. Nghề dệt lụa cũng có từ buổi
ấy và gắn với truyền thuyết về một nàng công
chúa xinh đẹp, một trong những vị tổ nghề quan trọng đặt nền tảng cho
một giá trị văn hoá vật chất có sức sống lâu bền đến nay và là niềm tự
hào của người Việt. Cùng với sự ra đời của nhiều giá trị văn hoá khác
trong lịch sử dân tộc, lụa Cổ Đô gắn với bà tổ nghề là Công chúa con Vua
Hùng Vương thứ 6 - Công chúa Thiều Hoa. Các triều đại Vua Hùng gắn với
buổi bình minh lập nước của lịch sử Việt Nam
Sau
kỳ tích ấy Thiều Hoa đem truyền dạy cho mọi người trồng dâu, chăn tằm,
kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng Vua cha. Hùng Vương
khen ngợi con gái yêu và truyền cho dân chúng theo đó mà dệt lụa. Dân
làng Cổ Đô, Vân Sa…rất nổi tiếng về nghề dệt lụa và nhiều làng tôn Thiều
Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, làm thành hoàng làng của mình.
Từ
bao đời nay, nghề dệt lụa đã trở thành nghề truyền thống của làng Vạn
Phúc. Lụa Vạn phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở những
nơi khác bởi chất liệu mượt mà, mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường
tơ, từng hoạ tiết trang trí. Chính vì thế lụa Vạn Phúc không chỉ là đặc
sản của làng mà còn là một thứ quà quý, một thứ đặc sản truyền thống của
người Việt Nam.
Theo
truyền thuyết và người dân làng Vạn phúc kể lại thì Tổ nghề nghề dệt
lụa Vạn Phúc là bà Lã Thị Nga. Bà sống vào thế kỷ thứ 7, thứ 8 khi nước
nhà bị đô hộ. Bà Lã Thị Nga, con một gia đình hào phú ở Cao Bằng, một
lần theo chồng là Cao Biền đi kinh lý tới Ấp Vạn Bảo, thấy đất đai thơ
mộng, bà xin ở lại ấp dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt cửi, mang lại nghề
dệt lụa cho dân Vạn Phúc. Trong hậu cung của đình làng nơi thờ bà họ Lã
hiện nay vẫn bày các thúng sơn, thước sơn, kéo bằng sắt, vạch bằng ngà
là những đồ dùng của thợ may. Bà là thành hoàng làng Vạn Phúc. Dân làng
vẫn lấy ngày sinh của bà là 10 tháng 8 âm và ngày mất là 25 tháng chạp
để tế lễ và giỗ tổ.
Từ
lâu, âm thanh từ những khung cửi, từ tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan
thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi
đưa, những nghệ nhân đã tạo ra sản phẩm nổi tiếng: lụa hàng vân, gấm hoa
ngũ sắc…Thoạt đầu là những khung dệt thô sơ, giản đơn ban đầu như khung
“con cò”, rồi khung “chân dậm tay thoi”, khung “tay giật, thoi lao”,
đến nay đã có nhiều khung dệt khác nhau, mỗi khung cho một sản phẩm mặt
hàng lụa khác nhau: hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất,
hàng Vân… để cho ra các sản phẩm với nhiều chất liệu khác nhau như lụa thường, ngang xe, hay dọc tơ chập, ngang tơ chập, dọc tơ xe…
Người
dệt dùng những ngón tay thanh mảnh lao chiếc thoi qua khung dệt. Rồi
đến chiếc khung dùng sợi dây để giật cho con thoi lao qua; Và đến chiếc
khung cài hoa cải tiến, gồm 2 người, người dệt ngồi dưới, và một người
nữa ngồi trên nóc khung, dùng tay lồng từng sợi tơ để tết thành hoa. Rồi
đến chiếc khung hôm nay, có hàng nghìn que kim tự động, cài đủ các loại
hoa theo ý con người.
Lụa
Vạn Phúc nổi tiếng, trước hết là lụa Vân. Vân nghĩa là mây. Có mây trên
lụa, nhìn lụa như thấy có mây. Đây là một kỹ thuật tinh tế, mà trước
kia chỉ làng Vạn Phúc mới dệt được, cả nước ta không đâu dệt nổi. Lụa là
thứ mượt mà, mà lại nổi vân là khó lắm
Trong
các mặt hàng lụa ở Vạn Phúc, có lẽ lụa sa tanh là mặt hàng sang trọng
nhất, cao cấp nhất. Cũng là tơ lụa, nhưng khi đã trở thành lụa sa tanh,
bỗng trở nên cao quý đặc biệt. Lụa sa tanh có chất lấp lánh như thuỷ
tinh. Hoa hướng dương, hoa triện viền quanh mặt lụa, càng làm cho lụa sa
tanh trở thành quý phẩm. Ta có cảm giác rằng, nếu lụa sa tanh được
trang trí trong nội thất ở một nhà nào đó, khi có một người khách lạ
đến và được ngồi vào trong ngôi nhà đó, người khách sẽ ngạc nhiên và
nghĩ rằng, sao cuộc đời lại có thể đẹp và hạnh phúc đến chừng này. Người
làng Vạn Phúc tự hào và nói không ngoa rằng, ai đã mặc áo lụa sa tanh
Vạn Phúc thì người già sẽ trẻ lại, người không đẹp cũng đẹp thêm lên.
Không
chỉ dừng lại ở những tấm lụa mượt mà, tha thướt hay những tấm áo đơn
giản ngày xưa, hôm nay lụa Vạn Phúc đã được người dân sử dụng để may
nhiều mặt hàng khác nữa như quần áo, áo bông, chăn, ga, gối, khăn…đến
những vật dụng nhỏ nhắn như túi, ví, xắc tay và những thứ khác dùng làm
quà lưu niệm. Điều này đã thể hiện trình độ cao của tay nghề làng Vạn
Phúc.
Nhờ
nghề dệt lụa, đúng là “nhà nhà dựng xây cơ nghiệp” . Cho đến nay, làng
Vạn Phúc vẫn nằm bên dòng sông Nhuệ lượn quanh. Nhưng làng quê mà đẹp
như thành phố. Bốn mùa rộn rã tiếng thoi vui. Người Vạn phúc từ lâu đã
có lệ đẹp: các cụ ở tuổi thượng thọ được làng may áo lụa để tặng mừng
thọ. Chợ Hà Đông, chủ yếu là bán lụa Hà Đông. Ngày nay, lụa Hà Đông cũng
có nhiều mầu. Một vài gia đình ở Vạn Phúc nhuộm lụa rất giỏi. Nhưng tôi
hỏi một người sành nghề lụa, ông đã cho tôi biết, không có màu nào đẹp
hơn nguyên chất mầu lụa. Chỉ có mầu lụa là đẹp nhất và không bao giờ
phai. Người thợ có thể nhuộm đủ các loại màu nhưng không thể nào nhuộm
được mầu giống như mầu lụa. Cho nên dẫu "mây bay, sóng lượn" dẫu là hoa
quế, hoa lan, hoa hồng, hoa huệ như thế nào, vẫn phải giữ được đúng màu
lụa. Chỉ có màu lụa mới được khách hàng ưa chuộng nhất, thế giới ưa
chuộng nhất
Lụa
tơ tằm Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay có tiếng trong nước và
quốc tế. Nó không chỉ đưa lại giá trị kinh tế cho quốc gia, nhiều dòng
họ, gia đình, nhiều làng mà còn là một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam
gắn với một vị tổ nghề là phụ nữ sáng lập không có lợi ích riêng, một
phụ nữ “Lá ngọc cành vàng”- Công chúa Thiều Hoa.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.
Trả lờiXóaBởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.