Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Thông điệp tặng quà trong kinh doanh

 Tặng quà ngày nay được xem là một nét văn hóa trong giới kinh doanh hiện đại. Nó là cả một nghệ thuật giao tiếp quan trọng trong kinh doanh, buộc những người trong cuộc phải có những hiểu biết nhất định nếu muốn hợp tác kinh doanh thành công với các đối tác đến từ các nền văn hóa khác nhau.

 Những thông điệp kỳ diệu từ quà tặng…

Tặng quà phải làm sao truyền tải được những thông điệp ý nghĩa, hợp tác chân thành mới được gọi là văn hóa tặng quà trong kinh doanh.

Không đơn thuần là phép lịch sự…


Trong kinh doanh, tặng quà không hẳn chỉ là những vấn đề tuân theo những quy ước của phép lịch sự. Nó chính là nghệ thuật giao tiếp thương mại góp phần thúc đẩy kinh doanh thành công. Biết tặng quà đúng cách thì món quà sẽ góp phần giúp bạn xây dựng và duy trì mối liên hệ lâu dài. Còn như tặng quà không đúng cách thì lắm khi lại có thể gây tổn hại cho mối quan hệ mà bạn đã dày công vun đắp.


Có lẽ định nghĩa hợp lý nhất của chữ thành công ở đây là khi người nhận vẫn còn nhớ đến bạn và công ty của bạn thật lâu sau khi đã nhận được món quà! Vậy đâu là những yếu tố quan trọng để món quà tặng của bạn có ý nghĩa trong mắt đối tác?


Để quà tặng thúc đẩy kinh doanh thành công


Có ba yếu tố quan trọng để việc tặng quà thúc đẩy kinh doanh thành công: tặng đúng mục đích, đúng thời điểm và quà tặng phải có giá trị.


- Tặng đúng mục đích:
Quà tặng mang tính chất xúc tiến kinh doanh như khuyến mại cho khách hàng tin dùng sản phẩm của công ty sẽ khác với quà tặng cảm ơn hay chúc mừng mang tính chất cá nhân tới một đối tác cụ thể. Là doanh nhân, trước khi tặng quà bạn cần phải xác định rõ ràng mục đích quà tặng của bạn với đối tác. Nếu bạn tặng quà để thể hiện sự hợp tác chân thành, mong muốn duy trì mối quan hệ lâu dài, nó phải thể hiện được qua cả cách thức chọn và trao quà tặng

Ở một số nước tặng quà là một cử chỉ văn minh. Nhưng một số nước khác đây lại được coi như một món hối lộ. Ở nhiều công ty cấm việc nhận quà cáp, trong những trường hợp như thế này, bạn nên tôn trọng và không nên tặng biếu gìn để khiến người bạn mình phải gửi trả lại, sẽ gây ra sự khó xử cho cả hai bên…


- Tặng đúng thời điểm:
Không phải bất cứ lúc nào bạn tặng quà, đối tác cũng sẽ nhận. Tùy vào từng điều kiện cụ thể và phụ thuộc vào văn hóa ứng xử trong giao tiếp khác nhau, bạn nên tìm hiểu để tặng quà đúng thời điểm. Ví dụ như người Nhật chỉ nhận quà sau khi đã kết thúc buổi gặp mặt hoặc kí kết xong một hợp đồng nhưng ngược lại, các đối tác đến từ Brazil thường rất vui khi nhận được những món quà tặng thân thiện trước khi vào bàn họp…

- Quà tặng phải có giá trị:
Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc tặng quà. Tuy nhiên, giá trị ở đây không đơn thuần chỉ có nghĩa là đắt tiền mà phải thể hiện được giá trị tinh thần sâu sắc.

“Đã gọi là quà thì không nên đặt quá nặng về giá trị vật chất, nó mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Không phải vì người ta thiếu mà chính là vì tấm lòng của mình gửi đến người nhận quà. Tuy nhiên, cũng không nên quá căn cơ khi lựa chọn một món quà khi chúng ta thấy nó phù hợp với mục đích của mình và thể hiện được tình cảm của mình dành cho người nhận”
, ông Nguyễn Hoàng Anh, Cố vấn Truyền thông của Asia Injury kiêm Giám đốc Kinh doanh công ty Mũ bảo hiểm Protect phát biểu.

Một món quà tặng có giá trị tinh thần còn phải thể hiện được sự tôn trọng văn hóa, tập quán của người nhận. Điều này có nghĩa là, món quà tặng của bạn không được “chạm” vào những điều kiêng kị của đối tác. Ví dụ như, người Nhật, người Trung Quốc rất kị số 4 và số 9 bởi đó là những con số “tử” đối với họ, hay như người Hàn Quốc không thích được tặng các vật sắc, nhọn bởi họ cho đó là biểu tượng của sự cắt đứt mối quan hệ…Cũng như bạn không nên tặng tượng Phật cho người bạn Thiên Chúa giáo hay ngược lại, hoặc tặng rượu mạnh cho một người bạn Hồi giáo,...


Ở nước ngoài thì những món quà giao tế thương mại có “giá trị” thông dụng nhất là:


* Quà lưu niệm của công ty (Cái logo nên được giữ kín đáo một chút nếu bạn muốn món quà được để trên bàn làm việc của đối tác).


* Sản phẩm điện tử


* Hoa


* Vé xem thể thao hoặc trình diễn văn nghệ


* Thức ăn


* Rượu


* Những vật cần dùng khi đi du lịch


* Đồ trang trí trên bàn làm việc…


Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có những quy tắc tặng và nhận quà khác nhau. Việc hiểu rõ văn hóa tặng quà và các quy ước có liên quan có thể giúp các doanh nhân xây dựng thành công những mối quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác kinh doanh đến từ các nền văn hóa khác nhau. Kỳ sau sẽ giới thiệu với các bạn văn hóa tặng quà trong kinh doanh của các quốc gia trên thế giới…

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Logo của Quà tặng Hà Nội

 

Muốn tạo một cuộc sống vui vẻ, muôn sắc màu, và gìn giữ được văn hóa vùng miền, các làng nghề Hà Nội.
Cũng là một trong các mảng Thiết kế của Thiết kế Ánh Dương.
Thiết kế Quà tặng - Quà tặng Hà Nội - Kết nối yêu thương!
Mang hồn Việt tới mọi miền đất nước !

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Nón làng Chuông - Ngời sáng vẻ đẹp truyền thống

"Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông".

Nghề làm nón có tự bao giờ và ai là vị tổ của nghề thì dân làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội,  không rõ nhưng ai cũng biết chiếc nón trắng 16 vành đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được dùng để làm quà cho hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.

Trải qua thời gian, trong thời kỳ cả nước hội nhập, nghề làm nón của làng không mất đi mà vẫn ngày càng phát triển. Từ chỗ là mặt hàng phục vụ các bà, các chị ở làng quê, nón Chuông nay  còn là mặt hàng lưu niệm mang giá trị văn hóa cho đông đảo du khách khi đến thăm Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.


Từ những chiếc lá cọ, lá lội được mang về từ các tỉnh trung du, miền núi, người làng Chuông phơi nắng khoảng 3-4 lần cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Đem về nhà, người thợ nón dùng lưỡi cày, giẻ hơ thật nóng để là, miết cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị rách, giòn.


Chiếc nón đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào khâu “là” lá, có tấm lá phẳng, người thợ lấy tre, nứa làm vòng, lắp lá vào và khâu thật tỉ mỉ.

Hiện nay, làng Chuông cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu chiếc nón mỗi năm. Không chỉ cung cấp nón cho khắp miền Bắc, mà nón làng Chuông những năm trở lại đây đã theo các đoàn khách du lịch, đông nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... ra nước ngoài. Khách hàng trong Nam chỉ cần gọi điện đặt số lượng, thoả thuận giá cả thống nhất, người làng Chuông sẽ tập kết nón gần bến xe Hà Đông, ngay lập tức chuyển hàng đi. Một số du khách nước ngoài yêu quý chiếc nón Việt đã về tận làng Chuông để tham quan và mua những món quà lưu niệm mang về quê hương. Đó có lẽ là món quà động viên quý giá nhất giúp người dân nơi đây vững tin hơn để giữ gìn và phát triển nghề.
Là một vùng thuần nông, đất chật người đông. Nghề nón muôn đời chỉ được coi là nghề phụ. Nhưng người dân nơi đây đều hiểu rằng, nhờ những chiếc nón giản dị ấy mà xóm làng được thay da, đổi thịt.

Sẽ khó có thể thấy hết được vẻ đẹp duyên dáng của những chiếc nón lá ẩn sau ngôi làng yên bình, dân dã ấy. Để rồi trong hội nghị APEC vừa qua, hình ảnh chiếc nón khổng lồ bất ngờ xuất hiện đã khẳng định thêm rằng chiếc nón lá thân thương bình dị của dân tộc sẽ không bao giờ mất nhờ bàn tay tài hoa và lòng nhiệt huyết của những con người bình dị nơi đây.

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Làng nghề Khảm trai Chuyên Mỹ - Phú Xuyên

         Xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên cách Hà Nội khoảng 46km có một làng tên là Ngọ Hạ, còn gọi là Chuôn Ngọ, nơi có nghề khảm trai nổi tiếng từ lâu đời. Theo truyền thuyết nghề khảm ở Chuyên Mỹ do Trương Công Thành một vị tướng dưới thời Lý, truyền dạy cho dân. Nhớ tới công đức của ông, dân Chuyên Mỹ tôn ông là tổ nghề khảm.
         Từ những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng những người thợ khảm Chuyên Mỹ với bàn tay tài hoa, khéo léo có thể tạo ra bất kỳ họa tiết nào dù tinh vi phức tạp đến đâu. Trước đây, người thợ Chuyên Mỹ chủ yếu làm hoành phi, câu đối và trang trí một số đồ gỗ sang trọng như sập gụ tủ chè. Ngày nay theo nhu cầu của thị trường, các sản phẩm Chuyên Mỹ đa dạng với chất lượng cao thoả mãn nhu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Du khách đến đây ngày một đông để chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo 
         Người làng Ngọ với đôi bàn tay cần mẫn tài hoa đã tạo ra nhiều loại sản phẩm tinh xảo mà ta luôn khâm phục tài năng cả họ. Trong cuốn “ Dẫn luận chung cho nghiên cứu kỹ thuật của dân Việt Nam” in năm 1909, tác giả Oger đã nhận xét “ thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hòa sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên sặc sỡ. Chính vì thế mà nghề khảm trở nên nổi trội rất được ưa chuộng”
          Nghề khảm Ngọ Hạ qua năm tháng đã phải trải qua bao bước thăng trầm. Ở làng Ngọ, xã Chuyên Mỹ có tơi 70% số hộ có lao động theo nghề khảm  và tham gia các hoạt động dịch vụ phục vụ cho phát triển ngành nghề. Từ cái nôi, điểm xuất phát của nghề khảm tại làng Ngọ, đến nay nghề này đã lan cả 4 thôn khác là thôn Trung, thôn Thượng, thôn Đồng Vinh và thôn Bối Khê, vừa làm khảm trai vừa phục vụ cho nghề. Có thể nhắc đến Chuyên Mỹ là một xã nghề. Nếu tính giá trị thu nhập từ ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Chuyên Mỹ chiếm tới 72% tổng giá trị và đây chính là nguồn thu nhập khá giúp cho Chuyên Mỹ trở nên giàu có. Mặc dù biến động của thời gian, nhiều lúc gian truân, chìm nổi nhưng Chuyên Mỹ vẫn giữ được một HTX thủ công ngày càng có tiếng đó là HTX sơn khảm Ngọ Hạ . ra đời từ năm 1960, với phương thức tổ chức tập trung, những năm 1970 hàng thủ công Ngọ Hạ đã có mặt ở nhiều nước XHCN lúc bấy giờ. Đã có thời điểm 4 HTX thủ công của xa Chuyên Mỹ được hợp nhất lại thành một HTX giải quyết việc làm cho hơn  ngàn lao động, vào lúc khó khăn, HTX lại được tách ra và từ năm 1990 HTX Ngọ Hạ vẫn duy trì sản xuất tiếp tục hàng khảm lựa theo cơ chế thị trường. từ năm 1990 đến 1994 các mặt hàng như tủ chè, sập gụ, tượng, khay chè…tiêu thụ rất nhạy ở nước bạn Lào và được khách hàng ưa chuộng. Qúa trình trưởng thành và đi lên của HTX là một chặng đường thăng trầm, ảnh hưởng của cơ chế nên ngày càng tìm ra những quy luật, giải pháp làm ăn có hiệu quả. Hàng khảm không chỉ tiêu dùng nội địa theo thị hiếu Việt Nam, mà sản phẩm Chuyên Mỹ đã có mặt ở thị trường nước ngoài cùng với các nước khó tính chưa quen hàng Việt Nam như Anh, Hà Lan, Nhật, Mỹ và hơn 10 nước trên thế giới.
          Khảm trai, ốc là công đoạn cuối cùng để hoàn thành sản phẩm, nhưng các mặt hàng khảm có thể chia ra 2 mảng lớn như:
          -khảm trai, ốc trực tiếp trên các sản phẩm mộc như gỗ, đồng, đồi mồi…
          - khảm trai ( ốc ) sơn mài.
          Người thợ làng Ngọ có thể thực hiện bất kỳ hình vẽ nào dù tinh tế và phức tạp đến mức nào. Công việc rất nghệ sĩ này đã tự khẳng định và thể hiện tính độc đáo, trí tuệ nhờ vào dôi tay khéo léo, uyển chuyển của những người thợ Chuyên Mỹ. Nếu ai một đôi lần được nhìn thấy và chiêm ngưỡng đôi bàn tay, sự tài hoa đang cần mẫn của người thờ làng Ngọ đang trổ tài đều phải khâm phục và ngưỡng mộ. Có thể hình dung mỗi vật khảm trai, ốc tự nó đã phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng thẩm mỹ của nó. Căn cứ vào đặc điểm này sản phẩm của Chuyên Mỹ được chia thành 2 loại lớn: đồ thờ cúng gồm tam sơn, làm bằng gỗ trắc, gụ ở mép có khảm các đường  kỷ hà, phần bên trong thì khảm các hình núi non, cây trái như trúc, đào, lựu, mai…Loại hoành phi câu đối các cỡ, có trang trí đường viền khảm kiểu chữ triện, khảm hình đồng xu, hay những cành cây, chim muông, bên trong khảm chữ Nho. Ngoài ra, còn có án thư, hòm sắc các cỡ, ống quyển, bao kiếm khảm hình rồng, thẻ bài các kiểu khá phong phú.
          Về đồ gia dụng và khánh tiết gồm các loại như đĩa khảm cá hay hoa, khay, quả trầu, trang trí theo lối triện hay hoa dây ở mép viền, trên mặt khảm hoa quả, chim muông, ở trong các ô ngăn cũng khảm rất tinh xảo. hộp mỹ phẩm khảm hoa to hoặc trang trí hoa chìm lá cuốn. Lọ hoa các cỡ khảm cá ngũ sắc, bàn cờ; bình phong thì khảm cảnh vật bốn mùa; tranh khảm lấy tích trong truyện dân gian; sập chủ yếu khảm cảnh núi non, hoa cỏ ở vai và chân sập. Tủ chè và tủ chùa cũng được khảm khá tinh vi, lấy các điểm tích của Trung Quốc xưa như kêt nghĩa vườn đào, anh hùng tương ngộ…các loại bàn ghế đủ cỡ cũng khảm trai, ốc nổi với nhiều mẫu mã đẹp, dựa vào các tích truyện và bình hoa có tính chất cỏ kính, mỹ miều. Ngoài ra, tùy theo các mẫu mã, thị hiếu trong và ngoài nước, thợ làng Ngọ còn đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng với các loại như tẩu thuốc lá, cán ba toong, nậm rượu hay các thứ hàng độc đáo khác, hàng  lưu niệm đủ loại.
          Tùy theo giá trị của vật phẩm và thị hiếu người tiêu dùng mà người thợ khảm họa tiết vào đó trai hay ốc, khi nhìn vào sẽ  óng ánh màu hồng sáng rực rỡ hay rực lên ánh sáng của những ngọn lửa màu ngọc huyền bí và lấp lánh. Đó chính là vẻ đẹp vĩnh hằng được gạn lọc kỹ càng từ những con trai, ốc của vùng chiêm trũng quê hương hay ở mầu ngũ sắc của các loại trai, ốc, màu lửa. Ngày nay, theo thị hiếu khách hàng, người thợ Chuyên Mỹ còn nhập các loại  trai, ốc từ Trung Quốc, Singabo hay ốc “ tai gấu” ốc đơn canh Nhật Bản để khảm những sản phẩm kiệt tác, để lại cho đời vẻ đẹp mãi mãi.
          Để chế tác các sản phẩm, người thợ phải tự tìm tòi để thao tác những công đoạn hết sức nghiêm ngặt, tỷ mỉ và phức tạp qua nhiều giai đoạn khác nhau. Riêng việc cắt gọt các họa tiết trai, ốc đã có cưa nhỏ, bàn giũa, mỏ kẹp, dao và các loại giũa nhỏ, bàn hộp, bút tỉa, lưỡi đục các loại, bút đanh để vạch hàng thành các họa tiết trai, ốc cần khảm. chính dựa vào các đường nét đó, người thợ đục chạm trên sản phẩm để gắn họa tiết. Như vậy với hàng gỗ được phân ra nhiều công đoạn từ gỗ đưa qua xẻ, phay, chạm hàng gỗ rồi khảm, gắn, mài, tách nét, đánh bóng. Với hàng sơn mài, người thợ trải qua những công đoạn có phần phong phú và tỷ mỷ hơn. Những khâu trên được làm đi, làm lại nhiều lần, ví dụ như đánh vải, để tránh cong vênh nứt nẻ sản phẩm, rồi bó, dùng sơn ta trát trên mặt cốt, rồi mài bó, vóc, mài vóc (làm nhiều nước bằng sơn ta)…Các sản phẩm khảm trai, ốc sơn mài được hoàn mỹ và bền chắc trải qua hanh khô hay khí trời ẩm ướt vẫn không bị thay đổi…Đó là một quá trình lao động chính xác, tỷ mỷ bằng cả tấm lòng tâm huyết và cái tâm trong sáng của người thợ khảm Chuyên Mỹ. Ngoài ra một yếu tố không kém phần quan trọng là nghệ thuật tạo cốt và việc chế tác nguyên liệu của người thợ. Đối với chất liệu gỗ, có thể sản xuất tại các xưởng ở tại xã, gia đình hoặc thuê mướn thợ nơi khác đến làm hoặc đặt gia công cốt mộc ở những vùng quê nổi tiếng khác như Đồng Ky ( Hà Băc), La Xuyên (Nam Hà)…Qua nhiều thế hệ người thợ ở Chuyên Mỹ  đã rút đúc kinh nghiệp trên chất liệu sơn ta ( loại sơn ta đặc quánh ở Hưng Hóa, Tuyên Quang) để tạo nên những sản phẩm thật hoàn mỹ, giá trị cho đời…
          Sản phẩm của Chuyên Mỹ ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã với nhiều mặt hàng mới. Mới đây, HTX thủ công sơn khảm Ngọ Hạ còn làm nhiều sản phẩm từ cốt nứa ( đã ngâm nứa rất kỹ) để tạo ra các loại chum, lọ, bát, hộp, tráp, đĩa…xuất sang các nước Nam Mỹ và Anh Quốc. Điều đáng quý là ở đây luôn giữ chữ tín cho nghề, thợ Chuyên Mỹ không làm hàn kép phẩm chất để ảnh hưởng đến uy tín của nghề. Hàng sơn khảm Ngọ Hạ đã nhận đựơc nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương vàng triển lãm hội chợ Giản Võ 1998, bộ VHTT công nhận di tích lịch sử văn hóa vào năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề năm 2000. người thợ Chuyên Mỹ ngoài sản xuất tại địa phương từ rất sớm còn bôn ba khắp nơi để truyền nghề, làm nghề. Ở Hà Nội có phố Hàng Khay, phố của những thợ khảm Chuyên Mỹ  với nhiều cửa hàng sang trọng và nhiều thành phố khác cũng bày bán mặt hàng khảm Ngọ Hạ . trong sự phát triển đi lên của khoa học kỹ thuật, trước cơ chế thị trường đầy biến động, người thợ Chuyên Mỹ luôn kế thừa và phát huy được tinh hoa của nghề. Họ đã nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật, cải tiến và hiện đại một số công đoạn, để giảm sức lao động, tăng năng suất và hiệu suất để tăng khối lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội. Trải qua bao đời nay, người thợ khảm vẫn bảo vệ được truyền thống lao động và sáng tạo của cha ông đẻ  giữ mãi tiếng thơm cho một làng nghề của Việt Nam. Hàng sơn khảm Ngọ Hạ ngày càng phong phú đáp ứng thị hiếu trong nước và quốc tế, trở  thành một ngành mỹ nghệ dân gian, một nghệ thuật để tôn vinh vẻ đẹp cho cuộc sống con người. Từ nơi phồn hoa đô hội, các khách sạn sang trọng hay những ngôi nhà cổ kính, đến các biệt thự có hạng, hàng sơn khảm Ngọ Hạ như một thứ không thể thiếu được làm tăng thêm vẻ đẹp hiện đại, lộng lẫy thể hiện sự giàu sang mà bàn tay và khối óc người thợ Chuyên Mỹ đã tạo ra. Xưa kia, hôm nay và mãi mãi mai sau chắc rằng mặt hàng sơn khảm Ngọ Hạ, làng nghê Chuyên Mỹ, Phú Xuyên vẫn phát huy nét đẹp và tiềm năng, xứng đáng là nơi lưu giữ và sản xuất ra thứ sản phẩm đẹp và quý cho muôn người, muôn đời sau.