Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Nét văn hóa bình dị của làng nghề tò he Xuân La - Phượng Dực - Phú Xuyên

Tài hoa của người Xuân La thể hiện qua từng tác phẩm.

Là một làng quê bình dị ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, từ lâu đã nổi tiếng với một nghề độc nhất vô nhị ở nước ta - nghề nặn tò he.

Vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt.

Cũng tại ngôi làng này, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chọn làm địa điểm để tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long".

Về Xuân La, chúng tôi đã được chứng kiến những cụ già tuổi đã ngoài 80, thanh niên và cả những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1 say sưa nặn những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ áo mớ bảy mớ ba rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng trăn tinh.

Theo các cụ cao niên ở Xuân La, nghề nặn tò he để làm đồ chơi cho trẻ thơ đã có ở Xuân La từ hơn 300 năm nay. Ban đầu, những lúc nông nhàn, người dân trong làng thường lấy gạo nếp hoặc gạo tẻ đem giã mịn, hấp chín rồi lấy nước rau ngót giã để tạo nên màu xanh, quả gấc tạo mùa đỏ, nước củ nghệ tạo màu vàng, củ nghệ đen tạo màu tím... rồi đem nặn thành hình những con giống ngộ nghĩnh, xinh xắn.

"Hữu xạ tự nhiên hương", lúc đầu chỉ người dân và trẻ thơ ở trong vùng biết và thích thú với những đồ chơi được nặn bằng bột. Dần dần trải qua năm tháng, người Xuân La đã đem nghề đi muôn nơi, những đồ chơi xinh xắn được nặn từ bột gạo có tên gọi chung là tò he đã trở thành thứ đồ chơi được yêu thích của bao thế hệ trẻ thơ từ Bắc, vào Nam.

Từ những nguyên liệu hết sức đơn sơ, giản dị là những sản phẩm nông nghiệp như hạt gạo, lá rau, qua bàn tay những người nông dân tài hoa, phút chốc đã tạo nên hình ảnh những vị anh hùng dân tộc, những nhân vật cổ tích, những sản phẩm quen thuộc của nhà nông như bông lúa vàng óng ngày mùa, con cá chép đang cong mình vượt vũ môn, chú trâu thong dong gặm cỏ... góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của trẻ thơ, thể hiện phần nào tâm hồn và cốt cách người dân đất Việt.

Chính nhờ những nét độc đáo và tài tình trong cách tạo nên đồ chơi cho trẻ thơ mà người thợ Xuân La cùng những sản phẩm tò he đã không ít lần có mặt trong các chương trình giới thiệu, trao đổi văn hóa tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...  và đã tạo được ấn tượng đẹp, sức hấp dẫn rất riêng với bạn bè quốc tế.

Trong ngôi nhà nhỏ chứa đầy các khay, hộp xốp chứa bột nếp, bột tẻ đủ màu sắc, anh Đặng Văn Hổ - người liên tục có mặt tại Bảo tàng Dân tộc học để hướng dẫn các em nhỏ tự tay nặn tò he tự hào cho biết nghề nặn tò he là nghề cha truyền con nối của gia đình anh từ hàng chục năm nay. Bản thân anh, đã nặn thành thạo những bông hoa, con rồng, con trâu, bông lúa từ năm lên 4 tuổi.

Không chỉ gia đình anh, đã là người Xuân La, dường như ai cũng được trời phú cho đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú để chỉ cần đưa ra yêu cầu và  trong vòng 3-5 phút, một em nhỏ ở Xuân La cũng có thể hoàn thiện ngay sản phẩm. Quả không sai, vừa trò chuyện với chúng tôi, chỉ một loáng là hai cháu Đặng Văn Hữu (4 tuổi) và Đặng Thị Nhi (8 tuổi) đã nặn xong một bông hoa và một chiếc đèn ông sao.

Ông Nguyễn Công Doanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phượng Dực cho hay nặn tò he không chỉ là nghề tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân lúc nông nhàn ở Xuân La mà còn là nghề tạo nên nét đẹp văn hóa cổ truyền của một vùng quê phía Nam Thủ đô.

Một số nghệ nhân cao tuổi như cụ Đặng Văn Tố, Nguyễn Văn Thuận đã qua đời song lớp thợ trẻ như anh Đặng Văn Hổ, Đặng Văn Thảo đang tiếp tục nối gót. Họ liên tục được mời đến Bảo tàng Dân tộc học, các trường mẫu giáo, tiểu học để hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng nặn tò he, giúp các cháu thêm hiểu, thêm yêu bản sắc văn hóa và lịch sử dân tộc qua những đồ chơi giàu tính nhân văn.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Lồng chim làng Vác

Những người sành chơi chim rất cầu kì trong việc chọn lựa những chiếc lồng nuôi chim ưng ý và không phải ngẫu nhiên mà họ lại tin chọn lồng chim làng Vác, bởi ba yếu tố mà họ đưa ra đều đáp ứng được đó là bền, đẹp và sang. Chính những điều này đã làm nên thương hiệu của một làng nghề danh tiếng trên đất Bắc.
                               
Cách Hà Nội chừng 30km là làng Vác, tên nôm của làng Canh Hoạch, nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội), nơi có các nghề truyền thống như làm quạt, làm khuôn nón, làm tượng và đặc biệt là làm lồng chim.
Cả xã có 4 làng là Canh Hoạch, Vũ Lăng, Tiên Lữ, Phú Thọ với 2.340 hộ dân thì có đến hơn 400 hộ làm lồng chim. Trong đó, Canh Hoạch là phát triển nhất với hơn 100 hộ làm lồng chim. Thu nhập của mỗi hộ trung bình cũng đạt 5-10 triệu đồng/tháng.
Tại nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ ở làng Canh Hoạch, những chồng lồng chim xếp chen kín cả lối vào. Ông hồ hởi cho biết đang chuẩn bị đóng hàng xuất vào thành phố Hồ Chí Minh. Qua câu chuyện với ông, được biết rằng nghề làm lồng chim ở làng Vác đã có từ lâu đời, cha truyền con nối. Cho đến nay, dân làng Vác vẫn còn tự hào mỗi khi kể lại chuyện lồng chim làng Vác đã từng đoạt huy chương tại các kì đấu xảo ở Hà Nội thời Pháp thuộc.


Lồng nuôi chim vành khuyên của làng Vác.

Lồng chim làng Vác nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc nhờ đáp ứng đủ các tiêu chí: bền, đẹp và sang...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ là người làm lồng chim nổi tiếng ở làng Vác.

Hình ảnh phơi tre được thấy ở khắp mọi nơi trong làng Vác.


Những chi tiết chạm trổ tinh xảo đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao.

Với đôi bàn tay khéo léo, người dân làng Vác đã làm nên những chiếc lồng chim đẹp nổi tiếng.


Để đáp ứng được ba tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ làng Vác phải kì công làm khá nhiều công đoạn như vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng… Tre, trúc nguyên liệu phải là loại tre rừng mua về từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng… Sau đó sử dụng một loạt phương cách gia truyền từ ngâm tre, luộc tre, thậm chí là… nướng tre để cho ra những nan lồng đạt độ chuẩn về khả năng chống mối mọt... Ấy là chưa kể đến việc phải chuốt thế nào cho hàng trăm, hàng nghìn nan tre được tròn và thẳng tắp như nhau. Tuy nhiên, như nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho biết, làm lồng chim không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở việc chạm đường viền cho các vanh lồng. Trên vanh lồng, những họa tiết rất nhỏ như một bài thơ chữ Hán; hình long, ly, quy, phượng; hình cây cỏ, hoa lá … được chạm khắc một cách tinh xảo bằng vô số đường nét nhỏ tỉ mỉ và chính xác. Chỉ bằng một lưỡi dao rất nhỏ cùng với đôi tay tài hoa, người thợ làng Vác đã chạm khắc nên những chiếc vanh lồng đẹp như tranh vẽ.
Một điều thú vị khác là người thợ làm lồng chim phải có kiến thức nhất định về hính dáng và tập tính sinh hoạt của từng loài chim để làm nên những chiếc lồng phù hợp cả về hình dáng lẫn kích thước.
Về làng Vác hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên trước sức phát triển mạnh mẽ của làng nghề. Những chiếc lồng chim có hoa văn chạm khắc tinh xảo của làng Vác theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước để phục vụ thú chơi chim cảnh tao nhã của người Việt.

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Lai Xá - Ngôi làng của những nghệ sĩ nhiếp ảnh


Tại Việt Nam có một làng nghề thật lạ, độc nhất vô nhị, chuyên "lưu giữ" khoảnh khắc thời gian, đó là làng nhiếp ảnh Lai Xá, ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đặc biệt, đây còn là nơi phát tích của nền nhiếp ảnh Việt Nam.

Phủi bụi thời gian

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, thôn Lai Xá gồm có 5 xóm và có một phố dài chưa đầy 1km, mang tên phố Lai. Nếu là người "dưng" và không rành lai lịch của Lai Xá, khó hình dung được rằng, đây lại là nơi “phát tích” của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Dù đang chuyển mình theo hướng đô thị hóa, nhưng làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá có khá ít sự hiện diện của các cửa hàng nhiếp ảnh và không khí kém phần nhộn nhịp so với các làng nghề khác.

Ông Xuân Dịu, người đàn ông hơn 60 tuổi, có đôi mắt tinh nhanh, với mái tóc trải ngược, bồng bềnh và bộ ria mép khá nghệ sĩ, và là cây đa, cây đề của làng nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, nghề nhiếp ảnh của Lai Xá gắn liền với hai người đàn ông ở hai thời điểm lịch sử, hai câu chuyện khác nhau, đó là cụ Đặng Huy Trứ và cụ Nguyễn Đình Khánh. Nếu người thứ nhất là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam thì người thứ hai, cụ Khánh là người có công phát triển nghề. Cả hai đều là người làng Lai Xá. Song, cụ Khánh mới chính là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh.

Theo lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam sau một lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865). Tại đây, do thích thú với nhiếp ảnh, ông đã thuê một người Hoa mua dụng cụ rồi học nhiếp ảnh.

Về nước năm 1869, ông Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Song, khai sinh chưa được bao lâu và cũng chưa một người Việt Nam nào kịp học được nghề ấy thì của hiệu đã phải đóng cửa do chiến tranh. Phải đến năm 1890, khi ông Nguyễn Đình Khánh được người chú ruột giúp đỡ, đem ông từ Lai Xá đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương của người Hoa thì nghề nhiếp ảnh Việt Nam kể từ lúc đó mới đứng trước cơ hội phát triển.

Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những ngón nghề, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật "buồng tối" để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da, cạnh tranh với cửa hiệu Chu Dương. Năm đó, ông Khánh tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông Nguyễn Đình Khánh đã về quê truyền nghề cho cả làng để từ đó mở ra thời kỳ hưng thịnh của làng nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với công lao biến một nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống và đưa nghề nhiếp ảnh tới mọi miền đất nước, ông Khánh trở thành một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định.

Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm pha để đủ độ sáng cho ảnh do bậc thầy truyền dạy, các tay máy của Lai Xá có thể chụp cả chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết không thuận mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện "đẳng cấp" vượt trội so với các hiệu khác khi ở thời điểm đó, họ có thể đảm nhận được tất cả các công đoạn như chụp, làm buồng tối, chấm sửa, đến in, phóng ảnh.

Cửa hiệu ảnh do người Lai Xá mở ra không chỉ có mặt tại Hà Nội mà còn vươn ra Hải Phòng, Lào Cai, Sài Gòn, thậm chí, "vượt biên" sang cả Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia... Những năm 40-50 của thế kỷ trước, cả Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh thì người Lai Xá chiếm 33 hiệu với những tên tuổi nổi tiếng như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa... Thậm chí, ở Sài Gòn theo thống kê có tới 80% số hiệu ảnh là do người Lai Xá làm chủ.

Giữ gìn và phát triển

Cuộc sống ngày càng phát triển với những ứng dụng tiên tiến của khoa học, công nghệ vào đời sống, nghề nhiếp ảnh cũng vậy. Đó không còn là nghề của riêng ai, riêng làng nào. Dù có trên 300 người thợ tỏa đi khắp nơi thủy chung với nghề, song tại chính nơi "phát tích" của nghề nhiếp ảnh, cách đây mươi năm chỉ còn một ban nhỏ để lưu giữ những nét văn hóa của làng nghề truyền thống. Nhiếp ảnh Lai Xá đứng trước những khó khăn không nhỏ.

Đối diện với những thách thức đó, năm 2002, những người Lai Xá có tâm huyết, coi chụp ảnh như cái nghiệp, là nét văn hóa riêng của làng quê mình chứ không đơn thuần là một nghề mưu sinh, đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, gồm 30 người. Họ lấy đó làm nơi trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh. Các hội viên tham gia bình ảnh, đi sáng tác tập thể hay mời giáo viên về giảng dạy, trao đổi nghiệp vụ, đồng thời, tham gia hàng ngàn bức ảnh vào các cuộc triển lãm ảnh lớn ở trong và ngoài nước.

Trên 10 bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên, sự vật, con người của các hội viên đã được trao giải cao trong những cuộc thi ảnh chào mừng Seagames 22 tổ chức tại Việt Nam, triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “Nhịp sống đất và người Hà Tây"... Đặc biệt, câu lạc bộ còn tổ chức tới trên 10 triển lãm ảnh lớn nhỏ cho hội viên.

Giọng tự hào, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh nói, dù thuộc Hội nhiếp ảnh Hà Nội, song câu lạc bộ ra đời từ làng nghề, trong 24 thành viên của hội thì người Lai Xá chiếm đến 2/3. Những người thợ ảnh - những nghệ sĩ của làng nghề đang tích cực hoàn thiện các tư liệu, các sản phẩm nhiếp ảnh nổi bật của các tay máy Lai Xá ở trong và ngoài nước. Nhưng trước mắt, nhân kỷ niệm thành phố nghìn năm tuổi, câu lạc bộ chúng tôi sẽ tổ chức một triển lãm ảnh với khoảng trên 100 bức ảnh về đất và người Hà Nội.

Chủ tịch xã Kim Chung Lê Ngọc Toàn cũng cho biết, ngày nay thời thế thay đổi, người thợ Lai Xá cũng chuyển động. Trước là làm ảnh dịch vụ thì nay là ảnh nghệ thuật. Địa phương cũng mong muốn Lai Xá trở thành điểm du lịch văn hóa làng nghề để gìn giữ và phát triển nghề nhiếp ảnh độc đáo, góp phần làm nên nét văn hoá đặc sắc của Hà Nội.

Năm 2010, năm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, cũng là năm thứ 118, người Lai Xá hành nghề nhiếp ảnh, kể từ khi cụ tổ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội, Dù không phát triển như trước, cũng không nhộn nhịp và không mang những dấu hiệu đặc trưng riêng như những làng nghề hiện đại nhưng Lai Xá vẫn độc đáo, trường tồn trong hàng ngàn làng nghề truyền thống ở Việt Nam./.

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Làng nghề Rèn Đa Sỹ - Kiến Hưng - Hà Đông - Hà Nội

Hàng trăm năm nay, làng Ða Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông, không chỉ nổi tiếng vì là nơi có nhiều người học giỏi, đỗ cao, mà còn là nơi có nghề rèn truyền thống.

Nay làng Ða Sĩ có hơn 900 hộ dân làm nghề rèn, cung ứng sản phẩm cho thị trường cả nước.


Ðất học, đất nghề

Nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm quận Hà Ðông hơn 1km về phía hạ lưu, có một ngôi làng nổi tiếng của xứ Ðoài văn hiến - làng Ða Sĩ.

Trải hơn một nghìn năm biến đổi, nay Ða Sĩ còn giữ được đầy đủ thiết chế của một làng Việt cổ gồm đình, chùa, đền với đủ các nghi thức của lễ hội văn hóa dân gian.

Theo truyền thuyết của nhân dân trong vùng, đất Ða Sĩ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn thịnh đạt.

Trước thế kỷ XVI, làng có tên gọi Ðan Khê, sau đổi là Ða Sĩ, vì có nhiều người học hành đỗ đạt. Ða Sĩ là quê của một Trạng nguyên, 11 tiến sĩ đã được ghi vào sử sách. Thành hoàng làng Ða Sĩ là danh y Hoàng Ðôn Hòa, dưới thời Lê đã được tôn vinh là "Lương y dược đại vương".

Lâu nay, Ða Sĩ không chỉ nổi tiếng vì làng có nhiều người học giỏi đỗ cao, mà còn là nơi có nghề rèn nổi tiếng. Tương truyền, nghề rèn Ða Sĩ có từ đời Hùng Vương thứ 18, là nơi cung cấp vũ khí cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất, lao động.

Nhưng làng Ða Sĩ chính thức có được nghề rèn độc đáo như ngày nay là nhờ có hai vị tổ nghề là cụ Nguyễn Thuật và cụ Nguyễn Thuấn, khi đóng quân trên đất làng Sẽ xưa đã truyền những "bí quyết" nghề rèn cho người dân. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nghề rèn ở Ða Sĩ vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề rèn Ða Sĩ Ðinh Công Ðoán, thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, làng là nơi sản xuất nhiều giáo mác, dao kéo, quân dụng... phục vụ kháng chiến.

Từ năm 1960, làng thành lập hai hợp tác xã rèn là hợp tác xã Tiền Phong và hợp tác xã Ða Tiến. Chuyển sang cơ chế thị trường, do thiếu nguồn tiêu thụ và nguyên liệu, hợp tác xã bị giải thể. Các hộ dân tự tìm cách khôi phục nghề dưới hình thức sản xuất cá thể quy mô nhỏ ở từng gia đình.

Trước năm 1996, cả làng có hơn 300 lò rèn, làm ra hơn hai triệu sản phẩm một năm. Ðến năm 2000, trong thôn có 500 lò rèn, sản xuất hơn sáu triệu sản phẩm/năm. Cho đến nay, làng có khoảng 900 hộ làm nghề rèn truyền thống, 200 hộ cung ứng than sắt, gỗ và thu mua sản phẩm, chiếm 90% số hộ dân trong làng.

Sản phẩm rèn Ða Sĩ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước. Ngoài những sản phẩm thông dụng, truyền thống, thợ rèn Ða Sĩ còn tìm cách sản xuất các loại hàng chuyên dùng phục vụ công tác khảo cổ, ngành may, chế biến thực phẩm...

Mỗi tháng, có hàng trăm tấn sản phẩm rèn Ða Sĩ được mang đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia...

Ở Ða Sĩ, người đàn ông chủ gia đình là trưởng lò rèn, những thành viên khác trong gia đình đều tham gia công việc, tùy theo sức lực và lứa tuổi. Nam giới thường đảm nhiệm việc nặng như quai búa, chặt sắt, còn phụ nữ thì lo thu mua nguyên vật liệu, bán sản phẩm và làm một số việc nhẹ nhàng hơn.

Ngày nay, nghề rèn đã đỡ vất vả hơn, năng suất cao gấp đôi do các hộ gia đình đã tự đầu tư thêm máy cắt sắt, máy cắt hơi, hàn điện, búa máy.

Người thợ chỉ trực tiếp làm các công đoạn như tạo phôi, tạo hình, tạo dáng. Khó nhất là khâu tôi thép. Người tôi thép phải nhìn được nước thép và ước lượng được độ già non trong khi tôi. Ðây chính là bí quyết quyết định chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm ở cơ sở sản xuất của nghệ nhân Ðinh Công Ðoán cũng chỉ dùng nguyên liệu là các loại sắt phế liệu, nhưng nhờ bí quyết riêng mà gia đình ông sản xuất nhiều mặt hàng dao, kéo cao cấp phục vụ các nhà hàng và cơ sở làm giày da, may công nghiệp, với chất lượng, giá cả ngang các loại hàng nhập khẩu.

Ông Ðoán cho biết các sản phẩm do xưởng nhà ông sản xuất đều được đặt hàng từ trước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của thị trường.

Nghề rèn ở Ða Sĩ phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giúp các hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn giải quyết nhiều lao động thời vụ của các địa phương khác.

Trước đây, người Ða Sĩ rất hạn chế thuê các lao động bên ngoài để giữ bí quyết nghề truyền thống, nhưng nay do nhu cầu mở rộng sản xuất, để đáp ứng các đơn hàng lớn, các xưởng sản xuất trong làng còn thu hút khoảng hơn 200 lao động từ các địa phương, thu nhập bình quân 50.000 đồng/ngày.

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Những sai lầm trong tiếp thị bằng quà tặng

Tiếp thị bằng quà tặng là cách làm được các doanh nghiệp áp dụng khá phổ biến hiện nay, nhất là khi họ tham gia hội chợ triển lãm, các sự kiện lớn hoặc nhân dịp lễ hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có thể do quá bận rộn mà chưa thiết kế được những chương trình tặng quà có hiệu quả. Trong không ít trường hợp, quà tặng vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, vừa chẳng đem lại ý nghĩa gì đối với khách hàng. Theo các chuyên gia, để không gặp tình trạng này, doanh nghiệp cần lưu ý tránh một số sai lầm dưới đây.


Phân phối không hiệu quả

Trên thực tế, nhiều công ty không thực hiện kế hoạch phân phát hàng khuyến mãi đúng và đầy đủ như kế hoạch.
Chẳng hạn, mỗi năm doanh nghiệp đặt 200 cuốn lịch để phát cho khách hàng thân thiết nhưng việc những cuốn lịch đó có đến tận tay khách hàng hay không là một điều… khó biết!
Nguyên nhân có thể là nhân viên hành chính để quên quà tặng khuyến mãi trong kho hoặc nhân viên quan hệ công chúng không đem tặng khách hàng.
Kết quả là doanh nghiệp sẽ có thể còn năm bảy chục cuốn lịch đến tận quý I năm sau. Nếu lên kế hoạch tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm được sự lãng phí này.

Thời gian đặt hàng quá ngắn

Các công ty chuyên làm hàng khuyến mãi uy tín có thể hoàn tất một đơn đặt hàng rất nhanh, từ vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên vì thế mà chủ quan và chỉ đặt hàng trước một thời gian quá ngắn.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên chuẩn bị đặt hàng khuyến mãi trước thời gian diễn ra sự kiện khoảng hai, ba tháng vì hai lý do. Thứ nhất là tiết kiệm được chi phí (vì khi đặt hàng quá gấp thì có thể bị các nhà cung cấp ép giá).
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải dự phòng khả năng mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như kế hoạch, chẳng hạn cần phải chỉnh sửa lại thiết kế hoặc thay đổi lượng quà tặng.

Không tìm hiểu sở thích của khách hàng

Nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ rằng đã là quà biếu thì kiểu gì khách hàng cũng sẽ nhận. Vì thế, một số doanh nghiệp tặng khách hàng những món quà mà họ không thích, chẳng biết dùng vào việc gì.
Nên nhớ rằng mục đích của việc tặng quà là để tạo ấn tượng với khách hàng và xây dựng quan hệ với họ, khiến họ nhớ đến doanh nghiệp khi ra các quyết định mua hàng.

Không có mục tiêu rõ ràng

Vẫn biết mục đích chính của việc tặng quà cho khách hàng là để đem đến niềm vui cho họ và khuyến khích họ mua sắm, nhưng doanh nghiệp cũng nên rà soát lại mục tiêu đã đặt ra. Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả của các chương trình tặng quà.
Ví dụ, nếu mục tiêu của doanh nghiệp là tăng số lượng khách hàng ghé thăm cửa hàng thì cần phải theo dõi và so sánh số liệu khách hàng đến cửa hàng lúc trước và sau khi thực hiện việc tặng quà.
Nếu mục tiêu của doanh nghiệp là tăng số lượng khách hàng mới hoặc tăng doanh thu thì mục tiêu đó cũng cần được lượng hóa cụ thể.
Quá chú trọng đến chi phí. Khi quá quan tâm đến chi phí, doanh nghiệp có thể đặt những món hàng không có chất lượng. Nên nhớ rằng những món quà tặng cho khách hàng tại các hội chợ triển lãm hay tặng trực tiếp sẽ để lại trong họ một ấn tượng mạnh về doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ không được nhớ đến ấn tượng tốt đẹp nếu món quà tặng sớm bị hư hỏng. Việc tặng một món quà chất lượng kém còn tệ hơn việc không tặng gì cho khách hàng.

Tặng sai đối tượng

Nhiều doanh nghiệp thích tặng những món quà thú vị, “không đụng hàng”. Đừng quên rằng mục đích chính của việc tặng quà là để tạo niềm vui cho khách hàng hiện tại và khách hàng mới, kích thích họ mua hàng nhiều hơn.
Vì vậy, không nên chọn những món hàng tuy có vẻ thú vị nhưng không hữu dụng đối với khách hàng.

Cung cấp thông tin không đầy đủ

Món quà tặng rất quan trọng đối với khách hàng nhưng có điều khác cũng rất quan trọng là tên, địa chỉ và các thông tin khác của doanh nghiệp phải được in trên đó.
Thông tin in trên quà tặng phải rõ ràng, sao cho khách hàng có thể mua hàng hay hỏi về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Một số doanh nghiệp thường in tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, thậm chí đủ cả logo, khẩu hiệu và hình ảnh nữa.
Tuy nhiên, do đa số các món quà tặng có kích cỡ không lớn, doanh nghiệp cần cân nhắc, chỉ chọn in những thông tin cần thiết, phù hợp nhất.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp muốn khách hàng ghé thăm trang web của mình thì nên in địa chỉ của trang web lên quà tặng, không cần in số điện thoại nữa.

Không chọn được nhà cung cấp có uy tín

Hiện nay thị trường có khá nhiều nhà cung cấp quà tặng nên doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ uy tín của các công ty này trước khi quyết định đặt hàng. Một số nhà cung cấp sẵn sàng cạnh tranh về giá, vì thế không chú trọng đến chất lượng.
Một số khác có thể đảm bảo được chất lượng cao, nhưng thường giao hàng không đúng hẹn. Một số khác lại không hề có bộ phận hay người đại diện chăm sóc khách hàng để trả lời cho doanh nghiệp các thắc mắc liên quan đến việc thực hiện đơn đặt hàng…
 

Làng nghề Mộc Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ "chàng" ở đây chỉ là mang tên một dụng cụ để làm nghề mộc. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn. Ngoài nghề mộc là nghề chính, Chàng Sơn còn có các nghề thủ công mỹ nghệ như song mây cao cấp, tre giang đan, quạt giấy, đũa, quạt nan và các mặt hàng khác. Những sản phẩm của làng từ lâu đã theo chân khách hàng đi khắp mọi miền đất nước, vượt cả đại dương đến với bạn bè năm châu.
Người ta biết đến Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, xuất hiện chí ít cũng từ thế kỷ XV - XVI. Nơi đây có nghề truyền thống và nổi tiếng nhất là nghề mộc. Bên cạnh đó nghề in, nghề quạt và nghề song mây tre đan cũng khá phát triển. Mảnh đất này tự hào là cái lò cho ra đời những bộ tràng kỷ, tràng niên; là nơi làm ra chiếc quạt rộng 9m được trưng bày tại Hội chợ hoa Hà Nội năm 2008 và đã được đưa vào Sách kỷ lục Guinness...


Trải qua nhiều thế kỷ, nghề mộc ở Chàng Sơn không hề bị mai một như nhiều số phận làng nghề trong vùng. Trái lại, trong cơ chế thị trường, nghề mộc của làng ngày càng mở rộng, các sản phẩm mộc vươn xa, chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của hàng chục làng nghề khác ở miền Bắc. Theo thống kê sơ bộ của xã, ngoài các sản phẩm được sản xuất từ gỗ thì trong làng cũng có tới hơn 10 cơ sở sản xuất các mặt hàng bàn ghế, đồ gia dụng từ song, mây, tạo việc làm cho hơn 200 lao động. Đến đất làng nghề, khách có thể thoải mái chọn lựa những sản phẩm gia dụng với mọi chất liệu khác nhau. Tiện lợi hơn cả là khách có thể đem mẫu hàng đến và yêu cầu người làng nghề sản xuất bằng những chất liệu mà mình yêu thích với giá thành hợp lý. Hiện nay, hầu như người dân nào ở Chàng Sơn cũng biết làm mộc. Đặc biệt, gần đây nhiều hộ dân nhạy bén đã đầu tư máy móc, tìm kiếm nguồn hàng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng mặt bằng xưởng để chuyên sản xuất các mặt hàng mộc nội thất nhà ở, văn phòng cao cấp... vừa có lãi cao, thị trường tiêu thụ mạnh.

Ngày trước nghề mộc chỉ được coi là nghề phụ nhằm giải quyết nhu cầu việc làm và kiếm thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn. Nhưng nay, với diện tích ruộng bình quân đầu người của xã quá thấp thì nghề mộc lại trở thành nghề chính nuôi sống các gia đình. Không tính đến những người vốn lớn, tự đứng ra mở xưởng sản xuất hoặc thành lập các công ty môi giới, buôn bán các sản phẩm mộc thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì với giá tiền công hiện nay cho một người thợ làm thuê là 100 ngàn đồng/ngày thì trung bình mỗi tháng một người thợ lành nghề cũng có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ so với mức thu nhập ở nông thôn.