Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Văn hóa tặng quà của giới doanh nhân

Đối với các doanh nhân, tặng quà không phải là vấn đề quá lớn, vì thế cách tặng càng đáng được quan tâm.
Ngày Tết thường gắn với “phong trào” tặng quà. Với giới doanh nhân, tục lệ này càng phổ biến. Gần Tết, nhiều doanh nhân băn khoăn, tặng quà cho sếp, cho đồng nghiệp, người thân như thế nào để tỏ ra là người không chỉ “có tiền mà còn có văn hóa”.
Văn hóa tặng quà có thể là một đề tài khá phù phiếm ở một đất nước vừa đạt được mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Tuy nhiên, đất nước có mức thu nhập trung bình thì không có nghĩa là ai ai cũng chỉ có mức thu nhập trung bình. Giới doanh nhân càng không phải là những người như vậy. Ngược lại nhiều doanh nhân đang giàu có lên rất nhanh chóng. Vì vậy, chuyện tặng quà như thế nào cho hay, cho đẹp chắc không hẳn là chuyện phù phiếm đối với họ vì “Phú quý sinh lễ nghĩa”.
Thiết nghĩ, “cái tặng không quan trọng bằng cách tặng”, tặng châu báu ngọc ngà mà không lịch sự thì tặng cũng bằng không, thậm chí còn “tiền mất, tật mang”, chỉ là chuyện bỏ chi phí để mua phản cảm. Ngược lại, có thể một món quà không lớn nhưng được trao tặng một cách tinh tế vẫn khơi dậy những tình cảm ấm áp và những ấn tượng tốt đẹp.
Trong cách tặng, vấn đề tặng ai và tặng để làm gì có ảnh hưởng rất lớn. Tặng quà sếp thì phải trang trọng. Từ cách đóng gói quà đến cách đưa gửi món quà đều phải cẩn thận, chu đáo. Người nhận quà cảm thấy mình được kính trọng là yêu cầu cơ bản đối với việc tặng quà cho sếp. Điều tương tự cũng cần phải có khi tặng quà cho ông bà, cha mẹ, các vị cao niên.
Tặng bạn thì trang trọng quá chưa chắc đã ổn. Không khéo sự trang trọng thái quá sẽ thành ra khách khí… và thậm chí còn bị hiểu sai đi. Tặng bạn thì phải tặng sao cho thật chân tình. “Mình thấy cái cà vạt này rất hợp với bộ com lê của cậu nên mua tặng. Cậu thử dùng xem có được không”, cũng có thể là cách chuyển quà cho bạn hợp lý.
Ngoài ra, tặng quà để làm gì cũng là một câu hỏi tế nhị. Mục đích tặng quà không phải bao giờ cũng chỉ là vụ lợi và hối lộ. Người ta có thể tặng quà để bày tỏ sự biết ơn, sự gắn bó hay sự thân thiết, hoặc tặng quà chỉ để mang lại niềm vui. Người được nhận quà cũng có thể mừng vui không chỉ vì món quà mà vì được quan tâm, yêu mến, được ngưỡng mộ… Mỗi mục đích đòi hỏi cách tặng cũng khác nhau. Tặng để bày tỏ sự biết ơn thì phải trân trọng; tặng để bày tỏ sự gắn bó thì phải chân tình…
Tuy nhiên, văn hóa tặng quà bao gồm cả cái tặng và cách tặng. Chúng ta nói “Cái tặng không quan trọng bằng cách tặng”, chứ không nói là cái tặng không quan trọng. Việc lựa chọn cái tặng cho phù hợp có lẽ cũng là một phần của cách tặng. Bởi vì chúng ta không thể tặng nhau bánh chưng trong ngày Valentine.
Văn hóa của việc lựa chọn quà tặng thể hiện trước hết ở việc đoán biết ý thích của người nhận quà. Rõ ràng, không nên tặng người thích mặc màu sáng một chiệc áo màu đen. Không nên tặng người thích nuôi chó một con mèo tam thể.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét