Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Tặng quà là một nghệ thuật

Mỗi khi Tết đến Xuân về, một trong những bận tâm của người phụ nữ trong gia đình là chuyện quà biếu. Trong thời buổi “cơm áo không đùa với… (không chỉ) khách thơ, chị em nào “khéo ăn thì no, kéo co thì ấm”.

Vai trò hậu phương còn buộc phái đẹp phải động não và khéo léo ngay cả trong việc chọn quà cáp sao cho chồng giữ trọn nghĩa của câu”… sang vì vợ”. Bên cạnh yếu tố truyền thống việc tặng quà dịp Tết nói riêng và trong đời sống nói chung được xem như… một phần tất yếu, là phần “đầu” của mỗi “câu chuyện”. Ai chẳng từng ít nhất một lần được tặng quà và… mang quà đi tặng.

Vì thế, làm sao để có được những món quà ưng ý và làm… ưng ý người nhận quà là vấn đề luôn được đặt ra. Có người, có lúc đã phải dùng cả đến những dịch vụ tư vấn tặng quà… cốt để đổi lấy sự chuyên nghiệp và an tâm.

Ông bà ta từng có câu “trăm người, ngàn ý”. Có những thứ mình rất thích nhưng không chắc người khác đã ưng. Nhất là với những món quà mang mục đích nhờ vả, ngoại giao, trả ơn… lại càng khó. Biết thế nào cho… đủ!

Rồi còn phải tính đến yếu tố văn hóa, tôn giáo, tâm linh, phong tục tập quán, vùng miền. Ví như không thể mang; thịt heo để tặng người… theo đạo Hồi, cũng đừng mang khô mực biếu người… miền biển.

Còn khi quê chồng bạn ở xã; vùng sâu, 1/61 huyện nghèo nhất nước, nơi thu nhập bình quân đầu người chỉ 1USD/ngày, vậy mà Tết đến, bạn lại vác cành đào hay chậu quất trị giá cả bạc triệu để làm quà, thì coi chừng bạn bị… mất Tết và còn bị chê trách cả năm.

Thế nên, để hợp thì phải nghiên cứu hoàn cảnh nào, đối tượng nào, mục đích nào.. thì tặng quà đấy.

Có những món quà nhẹ về giá trị vật chất nhưng đậm ý nghĩa tinh thần và ngược lại. Có món lại chỉ để trưng bày để chơi mà ít giá trị sử dụng. Có món tặng riêng cho một người mà nhiều người vui chung… Có người mê sách thú nhận thế này: “Tôi mà “làm lớn”, nêu ai đó muốn nhờ vả, tôi sẽ “gợi ý” họ “hối lộ” tôi sách báo”.

Với một người như vậy, một chiếc… nhẫn vàng có khi không được vồ vập bằng cuốn sách quý. Nhưng với một ông sếp mê nhậu thì bạn đừng tặng họ đĩa nhạc… Fantom. Cũng đừng mang… tranh thư pháp tặng mẹ chồng quanh năm gắn với ruộng đồng. Còn nếu quê bạn nức tiếng đặc sản như kiểu “cam Canh, bưởi Diễn”, “giờ Chèm nem Vẽ” ư? Bạn khỏi mất công suy nghĩ gì nhiều, cứ “cây nhà, lá vườn” mà biếu bạn hữu, anh em là tốt nhất.

Quà tặng thường… tỉ lệ thuận với mỗi quan hệ tình cảm giữa người cho với người nhận và còn phụ thuộc vào điều kiện tài chính của bạn. Trừ những “món quà” vì hoàn cảnh “thế thời phải thế”, “qua sông phải lụy đò”, nên bạn phải ráng… gồng, như kiểu; “nhịn miệng thết khách”.

Còn lại, nếu chỉ thuần là “cho-tặng” vì tình cảm, phong tục, hãy “liệu cơm gắp mắm”, cốt… công bằng và đầy đủ. Tránh người có người không-nhất là với gia đình bên chồng. Nếu không, tưởng như tặng quà cho thân mật hơn mà lại thành mất đoàn kết.

Và, dù là quà tặng người thân hay sơ, bạn cũng cần tìm hiểu xem họ thuộc loại túyp người nào, lãng mạn hay thực tế; thói quen, sở thích; gia; cảnh, sức khỏe, công việc hiện ra sao, để chọn món quà cho thích hợp. “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, tránh chuyện chở củi về rừng.

Có câu “thuận mắt ta cả nhà cùng thuận”, bạn hãy cứ nghĩ đến cảm giác của người nhận quà như của chính bạn vậy. Từ đó, hãy chăm chút, nâng niu từ ý tưởng sao cho món quà độc đáo, bất ngờ, thú vị và ý nghĩa. Rồi tự tay làm, hay đi mua, rồi gói cẩn thận, đẹp đẽ, trao tận tay hay gián tiếp…

Như vậy, dù quà to hay nhỏ, bạn cũng đã gửi gắm trong đó rất nhiều điều tốt đẹp và rồi người nhận sẽ cảm được tấm lòng của bạn. Của cho không bằng cách cho, “của ít lòng nhiều” là cách nghĩ, cách ứng xử rất có văn hóa của ông bà ta xưa về việc cho – nhận quà, mà với chúng ta ngày nay cẫn còn nguyên giá trị.

Cũng có khi, bạn băn khoăn không biết mua quà gì, sợ mua phải thứ họ đã có (nhiều) rồi, thứ họ không thích, mà đó lại là những người rất thân quen như mẹ chồng, người yêu… Bạn cũng có thể chân thành và thẳng thắn hỏi xem họ thích gì, để bạn chiều theo ý họ. “Được lời như cởi tấm lòng”, họ tha hồ bày tỏ còn bạn đỡ phải băn khoăn suy nghĩ. Như thế, hai bên cũng hài lòng.

Có chuyện thế này: Đoàn nhà văn nước ta sang thăm các nhà văn Mỹ theo lời mời. Đoàn được đưa vào siêu thị chơi và “giao ước”; tặng mỗi người một món quà 10USD, tùy ý chọn lựa. Nếu món nào nhỏ hơn cũng không được… thối lại phần tiền thừa, nhưng lớn hơn, xin mời quý khách thanh toán phần “lố” đó.

Tất nhiên,văn hóa tặng quà của người Việt chúng ta không “sòng phẳng” như người Mỹ. Nhưng sự thẳng thắn cùng sự chân thành trong chuyện này không phải không có lúc có thể áp dụng được.

Hoặc bạn định tặng quà, đi mua hộ quà – tùy ý người đó thích. Bạn cũng cần cho người đó những thông tin: về “from người”, thói quen, sở thích… của người bạn định tặng. Đợi ít ngày sau, bạn đem tặng lại chính họ (hoặc người thân của họ). Tha hồ bất ngờ, thú vị, lại khỏi sợ bị… chê.

Tóm lại, có rất nhiều cách để làm vui lòng người được nhận quà và cũng có vô vàn cách để bạn không cảm thấy chuyện “quà cáp” cho người khác là gánh nặng tiền bạc lẫn tâm lý. Ngày Xuân phơi phới, bao ý tưởng tinh khôi, mới mẻ đang chờ bạn, động não một chút bạn sẽ thấy… trao đi ít, biết đâu nhận lại thật nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét