Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Tặng quà không dễ

Tặng quà là một hành vi văn hóa. Vì thế, yếu tố văn hóa phải được đặt lên hàng đầu. Có ba điều hệ trọng mà người tặng quà không nên bỏ qua:

Một là, Bạn nên tìm hiểu xem công ty, doanh nghiệp của người mà bạn định tặng quà có quy định gì về việc nhận quà hay không. Nhiều công ty nước ngoài, nhất là các công ty Mỹ, thường rất chặt chẽ trong việc này. Thông thường, họ hạn chế giá trị món quà mà nhân viên của họ được nhận vì không muốn biến thông lệ tặng quà thành một hình thức hối lộ. Cũng có một số công ty hoàn toàn cấm việc nhận quà. Gặp những trường hợp này bạn nên tôn trọng để tránh tình huống… quà bị gửi trả lại, như vậy sẽ rất… mất mặt.

Hai là, Nếu bạn chọn một món quà “chung chung”, nghĩa là tặng ai cũng được, dĩ nhiên sẽ không hiệu quả bằng một món quà mà bạn lựa chọn riêng cho cá nhân người bạn định tặng. Vì thế, bạn nên “vắt óc” nghĩ ra những món quà thích hợp. Cách tốt nhất là bạn nên tìm hiểu sở thích của họ thông qua các mối quan hệ, hoặc cố nhớ vài ba chi tiết đặc biệt về họ qua những lần gặp trước. Chẳng hạn, tình cờ bạn biết người mà bạn đang có ý định tặng quà rất mê thơ Đường, trong một chuyến du lịch, bạn ghé một hiệu sách, tìm một cuốn thật đẹp về thơ Đường đem về tặng. “Của một đồng công một nén”, cuốn sách không làm bạn cháy túi, song sẽ là món quà rất “giá trị”, chắc chắn bạn sẽ được nhớ đến mỗi lần người ấy nhìn lại cuốn sách. Nhưng, nhớ tránh “chở gỗ về rừng”, nghĩa là tặng những món quà quá quen thuộc với người nhận, chẳng hạn: tặng rượu vang cho người Pháp, bia cho người Đức, chocolat cho người Thụy Sĩ, trà cho người Hoa … Với những đối tác mà bạn đã tặng quà nhiều lần thì nên chịu khó ghi lại để nhớ mình đã tặng những gì. Bởi vì, đem cho ai một món quà đã có dịp tặng trước đó dễ bị nghĩ rằng mình coi thường họ, và dĩ nhiêu là bạn sẽ bị “mất điểm”. Cũng nên tránh tặng những món quà không thích hợp với giá trị văn hóa hay tôn giáo của người nhận. Như: tặng tượng Phật cho người theo đạo Thiên Chúa, tặng tượng Chúa cho người theo đạo Phật, tặng rượu mạnh cho người theo đạo Hồi v.v…

Ba là, Bạn nên tặng quà đúng lúc, chọn thời điểm thật thích hợp. Chẳng hạn: gửi quà cho khách hàng ngay khi vừa ký được hợp đồng, gửi món quà kèm theo lời cảm ơn ngay sau khi nhận được sự giúp đở… Thường thì bạn nên trao quà trực tiếp cho người nhận cùng với cử chỉ cám ơn chân tình, vì như thế, món quà sẽ tăng giá trị hơn nhiều. Tuy nhiên, dù phải gửi quà hay trao quà trực tiếp bạn cũng nên kèm theo một tấm thiệp với những dòng chữ thân tình để món quà trở nên “thắm thiết” hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét