Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Tàu thủy sắt, đồ chơi công nghệ một thời của Hà Nội


Từng là món đồ chơi ao ước của nhiều thế hệ tuổi thơ Hà Nội trước đây, nhưng hiện chỉ một hộ gia đình ở Thanh Xuân duy trì việc sản xuất tàu thủy sắt cho trẻ em dịp trung thu.

Nghề làm tàu thủy và các đồ chơi bằng sắt vốn là nghề truyền thống ở làng Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng hiện giờ chỉ còn gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng theo đuổi nghề này.

Trước những năm đầu thập niên 1990, tàu thủy sắt là món đồ chơi "công nghệ" gắn liền với ký ức nhiều thế hệ. Trông đơn giản, nhưng tàu thủy sắt có thể di chuyển trên mặt nước và và phát ra tiếng kêu như động cơ tàu thủy thật. Vừa chơi, trẻ em còn có thể rút ra nhiều bài học khoa học lý thú, nhất là các lý thuyết cơ bản về nhiệt học, chuyển động.

Tuy nhiên, khi đồ chơi cho trẻ em trở nên phong phú hơn, các món đồ chơi chạy pin, hấp dẫn trẻ bằng màu sắc, âm thanh khiến tàu thủy sắt dần vắng bóng trên phố phường Hà Nội. Đến nay, thi thoảng lắm, người Hà Nội mới bắt gặp tàu thủy sắt xuất hiện trên phố Hàng Thiếc hay ở Hãng Mã, Lương Văn Can... dịp trung thu.

Đất Việt ghi lại phần giới thiệu của anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng về chiếc tàu thủy sắt, một đồ chơi quen thuộc một thời:
tau thuy do choi
Anh Hùng cho biết, "động cơ" của tàu thủy sắt nằm trong thân tàu, gồm ba phần: nồi hơi, bình dầu và ống dẫn nước.
tàu thủy đồ chơi
"Nồi hơi" là một tấm kim loại hình vuông, ở giữa hàn một lá đồng rất mỏng. Bộ phận này có tác dụng truyền nhiệt cho ống dẫn nước và tạo ra tiếng kêu của tàu.
Bình dầu được đặt trên một khay nhỏ dưới nồi hơi, là nơi chứa dầu hỏa làm chất đốt.
Ống dẫn nước gồm hai ống nhỏ song song, thông nhau và được hàn với nồi hơi. hai đầu ống nằm ở đáy tàu, có tác dụng đẩy nước giúp tàu chạy.
Cần đổ đầy nước vào hai ống chứa.
Sau đó đưa tàu xuống nước và đốt bình dầu, đặt dưới nồi hơi.
tau thuy do choi trung thu
Sau khi đốt khoảng 30 giây, tàu bắt đầu chạy. Nguyên lý hoạt động rất đơn giản: lửa đốt nóng "nồi hơi", truyền nhiệt vào ống dẫn nước khiến nước trong ống sôi lên và tạo lực đẩy tàu di chuyển.
Khi chạy tàu phát ra tiếng kêu “phành phạch” như tàu thủy thật. Tiếng kêu này được tạo ra bởi lá đồng mỏng nằm giữa nồi hơi. Sức nóng của ngọn lửa đẩy lá đồng lồi lên phía trên trong khi tính đàn hồi khiến lá đồng lõm xuống như lúc đầu. Chu trình đẩy lên – xuống liên tục của lá đồng tạo nên tiếng “động cơ” đặc trưng của tàu thủy sắt.
Tàu chạy khoảng hai, ba phút sẽ cạn dầu và dừng lại.
Những chiếc tàu thủy này là thành quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo của nhiều thế hệ đi trước. Anh Hùng cho biết, trong tất cả sản phẩm đồ chơi truyền thống của làng Khương Hạ, chỉ tàu thủy sắt còn có mặt trên thị trường đến hôm nay.
 Tàu thủy sắt trên một sạp hàng ở phố Hàng Mã, Hà Nội.
Nguyễn Thùy Dương - Thiết kế Ánh Dương